UNG THƯ DẠ DÀY LÀ BỆNH CÓ THỂ CHỮA KHỎI NẾU ĐƯỢC PHÁT HIỆN Ở GIAI ĐOẠN SỚM
sontung.ng
Th 3 21/09/2021
Ung thư dạ dày là một bệnh hay gặp ở người trên 50 tuổi. Theo tổ chức Ung thư thế giới, có khoảng trên 1 triệu người mắc ung thư dạ dày hàng năm và ước tính 796.000 người chết vì ung thư dạ dày mỗi năm. Ở nam giới, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư đại tràng. Ở nữ giới, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 7 sau ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư thân tử cung và ung thư cổ tử cung, nhưng tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ 4.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ sau ung thư gan và ung thư phổi. Ung thư dạ dày gây tử vong nhiều là do bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn không còn sớm. Tại các nước Phương Tây, mặc dù y học tiến bộ nhưng 80% bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật hoặc còn khả năng phẫu thuật nhưng lại tái phát trong vòng 5 năm, vì thế mà tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 5 - 10% số tường hợp.
Ngược lại tại Nhật Bản và Hàn quốc là những nước có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, các bác sỹ về Tiêu hóa và Ung thư Nhật Bản đã có chủ định và thực hiện chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Đến 1983, trong luật về sức khỏe của Nhật Bản đã quy định tuổi sàng lọc của ung thư dạ dày là 40 tuổi. Tại Hàn Quốc chương trình quốc gia sàng lọc phát hiện ung thư dạ dày sớm được áp dụng năm 2002. Ngày nay, tại Nhật Bản trên 70% ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, 93% bệnh nhân vẫn còn sống bình thường sau 5 năm. Việc điều trị ung thư dạ dày sớm cũng đơn giản hơn rất nhiều so với ung thư ở giai đoạn tiến triển hay giai đoạn muộn. Bệnh nhân không cần điều trị hóa chất, không phải chịu đựng phẫu thuật. Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tiến hành nội soi dạ dày để cắt hớt niêm mạc (Endoscopic Mucosal Resection- EMR) hoặc cắt tách niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection- ESD) có nghĩa là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi đường miệng với chất lượng sống tốt như người bình thường.
Ung thư dạ dày có 2 loại: Ung thư vùng tâm vị ít gặp và ung thư không phải tâm vị hay gặp - đây là loại cần chú ý để phát hiện. Ung thư dạ dày thể không phải tâm vị có liên quan tới nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P), chế độ ăn có nhiều muối, hút thuốc lá, uống rượu, ăn ít rau và quả, ngoài ra còn liên quan tới yếu tố gia đình và gene thường gặp ở người ung thư dạ dày xuất hiện ở người trẻ tuổi trước 40 tuổi.
Từ năm 1994, vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp loại là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P của người Việt Nam rất cao, chiếm trên 70% dân số. Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm vi khuẩn H.P cũng đều bị ung thư dạ dày, mà còn phụ thuộc độc lực của chủng vi khuẩn H.P mắc phải và cơ thể con người tức là yếu tố thể tạng, cũng như các nguyên nhân phối hợp khác.
Thế nào là ung thư dạ dày sớm? Ung thư dạ dày sớm là khi tổn thương ung thư chỉ nằm ở lớp niêm mạc chưa xâm lấn vào lớp dưới niêm mạc hoặc xuống lớp dưới niêm mạc nhưng chưa quá 500 µm. Bình thường, thành dạ dày có 4 lớp từ trong ra ngoài: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, ngoài cùng là lớp thanh mạc. Ung thư dạ dày sớm có nghĩa là hầu như chưa có di căn nơi khác vì lớp niêm mạc không có mạch máu và cũng chưa xâm lấn sang các cơ quan trong ổ bụng cũng như di căn hạch. Vì vậy, chỉ cần lấy toàn bộ phần ung thư là khỏi bệnh.
Ung thư dạ dày sớm có biểu hiện như thế nào? Không giống ung thư ở giai đoạn muộn, ung thư dạ dày sớm hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng, thường phát hiện được tình cờ khi nội soi. Khi có biểu hiện triệu chứng như đau bụng, chán ăn, đầy bụng, xuất huyết tiêu hóa như nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen là khi ung thư đã ở giai đoạn muộn.
Bằng cách nào để phát hiện ra ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm? Phương pháp tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là tiến hành nội soi. Tổn thương ung thư sớm có thể rất nhỏ chỉ 2-3 mm trên hình ảnh nội soi, nhưng cũng có thể tới 3 - 4 cm mà vẫn còn ở giai đoạn sớm. Tại Nhật Bản hiện nay, ngoài nội soi các bác sỹ vẫn còn sử dụng phương pháp chụp dạ dày với đối quang kép để sàng lọc ung thư dạ dày sớm trong cộng đồng. Tuy nhiên, phương pháp này cần nhiều thời gian, trong thực tế ở Việt Nam ít khi chụp dạ dày bằng phương pháp đối quang kép.
Như vậy, đối với Việt Nam chỉ có phương pháp duy nhất để phát hiện ung thư dạ dày sớm bằng nội soi. Tại Nhật Bản, xét nghiệm máu CA 72- 4 và các xét nghiệm khác không có giá trị để chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, khi ung thư mà có tăng CA 72 - 4 hoặc các chỉ số ung thư khác thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Mặt khác, khi xét nghiệm thấy các chỉ số này tăng thì cũng không đặc hiệu cho ung thư dạ dày có nghĩa là chưa chắc người này đã bị ung thư dạ dày hay một loại ung thư nào khác, các xét nghiệm này có thể tăng do nhiều yếu tố, kể cả bị viêm nhiễm. Vì vậy, việc xét nghiệm các chỉ số trong máu để chẩn đoán ung thư dạ dày là hoàn toàn không chính xác và cũng không được các nước trên thế giới khuyến cáo sử dụng để phát hiện ung thư dạ dày sớm. Muốn phát hiện ung thư dạ dày sớm cần có kế hoạch nội soi dạ dày khi không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người trưởng thành đều được nội soi thì sẽ gây tốn phí không cần thiết và nghành y tế không thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì vậy, cần tiến hành nội soi để phát hiện ung thư sớm cho những đối tượng có nguy cơ cao hay dễ bị ung thư dạ dày.
Thế nào là những người có nguy cao ung thư dạ dày?
- Những người có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư dạ dày, đặc biệt có người bị ung thư dạ dày dưới 40 tuổi
- Người bị cắt bán phần dạ dày sau 15 năm.
- Người có viêm teo niêm mạc dạ dày nặng trên nội soi: viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày.
- Những người từng phát hiện ung thư dạ dày sớm đã điều trị khỏi bằng cắt hớt hoặc tách cắt niêm mạc.
- Những người bị hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình
- Từ 40 tuổi nên nội soi dạ dày tầm soát tìm ung thư sớm
Tuổi nào thì nên soi dạ dày để phát hiện ung thư sớm? Tại Nhật Bản và Hàn quốc, từ 40 tuổi được khuyến cáo nên soi dạ dày để sàng lọc. Nếu nội soi thấy không có viêm teo hoặc viêm teo nhẹ thì cứ 2 - 3 năm nội soi một lần. Nếu viêm teo mức độ nặng và hoặc có dị sản ruột lan tỏa thì mỗi năm nội soi dạ dày một lần. Đối với các nước Phương Tây, nơi mà tì lệ ung thư dạ dày thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản, khuyến cáo: Nếu viêm teo mức độ nặng và hoặc có dị sản ruột lan tỏa thì cứ mỗi 3 năm nội soi dạ dày một lần. Vậy người Việt Nam nên chọn theo cách nào để đi nội soi và theo dõi? Tỉ lệ ung thư dạ dày của chúng ta tuy thấp hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng cao hơn nhiều so với các nước Phương Tây, chúng ta nên chọn theo cách của Nhật bản và Hàn Quốc.
Những vấn đề trở ngại cho người bệnh: Nói tới việc phát hiện ung thư dạ dày người ta nghĩ ngay tới nội soi dạ dày. Nhưng phần lớn người bệnh khi nói tới phải nội soi dạ dày người ta rất sợ, bởi vì họ đã từng đi nội soi dạ dày hoặc nghe người thân đã đi nội soi dạ dày kể lại. Tuy nhiên, ngày nay ngoài biện pháp nội soi thông thường có nhiều phương pháp nội soi mà người bệnh không cảm thấy khó chịu ngay cả khi nội soi cho trẻ em. Các phương pháp nội soi đã được tiến hành bao gồm: nội soi dạ dày qua đường mũi, nội soi có tiền mê hoặc gây mê.
Có những người bệnh băn khoăn liệu nội soi gây mê hoặc tiền mê có ảnh hưởng đối với sức khỏe hay không? Xin trả lời về mặt y học hoàn toàn cho phép tiến hành mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh nếu được tiến hành theo đúng quy trình.
Như vậy, ở Việt Nam hoàn toàn có thể phát hiện và điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Với sự phát triển của kinh tế, mọi người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, cùng với sự mong muốn và cố gắng của các bác sỹ Tiêu hóa, Ung thư chắc chắn ngày càng có nhiều người được phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm.
Theo: BS.TS. Vũ Trường Khanh
Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, BV Bạch Mai