MỘT SỐ HIỂU BIẾT VỀ BỆNH GOUT

Nguyễn Mạnh Tường
Th 5 31/03/2022

MỘT SỐ HIỂU BIẾT VỀ BỆNH GÚT (GOUT)

 

  BỆNH GÚT LÀ GÌ?

Bệnh gout (gút) là bệnh do rối loạn chuyển hoá nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Acid uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua đường nước tiểu và phân. Với người bị bệnh gút, lượng axit uric trong máu được tích tụ theo thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở các khớp và gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.

 

  TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH GOUT

Triệu chứng bệnh gút thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Trong một số trường hợp, bệnh gút không có dấu hiệu ban đầu. Các biểu hiện của bệnh gút thường xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc gout cấp tính. Các triệu chứng bao gồm:

  • Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy
  • Khớp đau nhiều hơn khi dụng vào
  • Khớp sưng đỏ
  • Vùng xung quang khớp ấm lên

Hầu hết các biểu hiện của bệnh gút thường kéo dài vài giờ trong 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra trong vài tuần.

  BỆNH GÚT CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Tuy bệnh gout có thể làm cho người bệnh căng thẳng, đau đớn và mất ngủ nhưng gút là bệnh lành tính và có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn.

 

Dựa vào mức độ nghiêm trọng gút được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Nồng độ acid uric tăng cao: Thông thường ở giai đoạn 1, bệnh Gout chỉ phát triển âm thầm và không có dấu hiệu cụ thể nào ở các khớp. Chỉ đến khi tiến hành xét nghiệm máu, người bệnh mới phát hiện ra nồng độ acid uric đang tăng cao.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn cấp tính: Ở giai đoạn này, khi hàm lượng acid uric tăng cao trong máu, các tinh thể muối urat bắt đầu hình thành tích tụ tại các tổ chức khớp gây ra những cơn đau nhức, khó chịu đặc biệt ở các khớp cổ tay, chân, ngón tay, ngón chân… đồng thời các khớp bắt đầu sưng cứng và nóng đỏ.
  • Giai đoạn 3: Các khớp bị tổn thương: Trong giai đoạn này, những sự tổn thương phát triển dần từ một khớp sang nhiều khớp khác, xuất hiện nhiều cơn đau cấp tính không thường xuyên và theo chu kỳ. Tuy nhiên trong giai đoạn này, người bệnh vẫn sinh hoạt và lao động các khớp bình thường bởi cảm giác đau không dữ dội giữa các đợt cấp tính dẫn đến sự chủ quan là bệnh đã hết.
  • Giai đoạn 4: Bệnh chuyển sang mạn tính: Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong quá trình đi lại và cầm nắm đồ vật. Theo thời gian, các tinh thể acid uric lắng đọng tạo thành các dạng hạt làm cho các cơn đau tăng nhanh theo từng đợt, sau đó viêm khớp liên tục, biến dạng khớp,  kéo dài phá hủy các khớp, đồng thời các mô xung quanh cũng bị tổn thương và dẫn đến dị tật.

 

  NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN GÚT

Nguyên nhân dẫn đến gút chia làm 2 nguyên nhân: Gout nguyên phát (chiếm 95%) và Gout thứ phát

Nguyên phát

Chưa rõ nguyên nhân, chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm… được xem là làm nặng thêm bệnh. Gặp 95% ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi. 

Thứ phát

Một số hiếm do các rối loạn về gen (nguyên nhân di truyền). Ngoài ra có thể do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid  uric hoặc cả hai, cụ thể:

  • Suy thận nói riêng và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận nói chung.
  • Các bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp.
  • Dùng thuốc lợi tiểu như Furosemid, Thiazid, Acetazolamid…
  • Sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác +tính; thuốc chống lao (ethambutol, pyrazinamid)… 
  • Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa, tăng insulin máu và sự đề kháng insulin, uống nhiều rượu.

  CÁC ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH GOUT

  • Nam giới (tỉ lệ nam/nữ: 9/1) béo phì, những người mắc hội chứng chuyển hóa, sử dụng nhiều bia rượu, ăn các thức ăn chưa nhiều purin như liệt kê dưới đây.
  • Ngoài ra còn hay gặp ở những người suy thận, trong khi điều trị một số thuốc chống lao, bệnh máu, bệnh ung thư hoặc dùng thuốc lợi tiểu kéo dài...

 

Các yếu tố nguy cơ:

  • Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản
  • Tuổi tác và giới tính: bệnh xuất hiện nhiều ở nam giới và người lớn tuổi
  • Uống bia nhiều trong thời gian dài
  • Béo phì
  • Mới bị chấn thương hoặc phẫu thuật
  • Gia đình có người từng bị gút
  • Tăng huyết áp
  • Suy thận…

  ĐIỀU TRỊ BỆNH GOUT

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh thực phẩm chứa nhiều nhân purin như: nội tạng động vật (tim, gan, lòng bầu dục); thịt xông khói; hải sản (tôm, cua, cá hồi, cá mòi); các loại đậu, măng tây, cải bó xôi; thịt đỏ ( trâu, bò, chó); thức ăn chua ( hoa quả chua, đồ muối chua)
  • Tránh uống bia, rượu mạnh, có thể uống rượu vang (150ml/ngày)
  •  Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, cocticoid.
  •  Nên uống nhiều nước: khoảng 2 lít/ngày ( nước khoáng kiềm)
  • Nên ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ
  • Có thể uống sữa, ăn trứng, ăn thịt trắng, cá đồng
  • Vitamin C 500mg/ngày
  • Không nên đi giày quá chật
  • Nhìn chung chế độ ăn hạn chế năng lượng vì bệnh gút hay đi kèm với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.

Điều trị thuốc:

Trong cơn cấp điều trị bằng các thuốc chống viêm. Điều trị lâu dài bằng các thuốc giảm acid uric huyết.
Để phòng tránh cũng như khống chế bệnh một cách hiệu quả nhất thì người bệnh phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải thăm khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị kéo dài: Thời gian đầu tái khám sau 2 tuần, sau đó mỗi tháng, khi đã ổn định có thể tái khám sau 3-6 tháng.

 

  PHÒNG BỆNH

  • Chế độ sinh hoạt hợp lí, giảm ăn các chất giàu purin, chất béo…
  • Điều trị tốt các bệnh lí gây bệnh gút thứ phát như suy thận, do thuốc, các bệnh lí chuyển hóa…

 

 

 

Viết bình luận của bạn