Tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết: Phân độ nguy hiểm và cách điều trị.

Nguyễn Bá Hào
Th 5 28/03/2024

Sốt xuất huyết là căn bệnh lây truyền qua vật trung gian là muỗi vằn, loài muỗi mang trong mình virus dengue sinh trưởng và phát triển mạnh ở điều kiện môi trường có độ ẩm cao hay trong mùa mưa. Với yếu tố dịch tễ thuận lợi sốt xuất huyết rất dễ bùng phát các ổ dịch tạo thành dịch bệnh lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều người dân và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội.

Hiện nay với sự kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong điều trị sốt xuất huyết đã đem lại kết quả tốt cho người bệnh nhằm tối ưu chi phí, thời gian điều trị và cũng góp phần làm giảm nguy cơ tạo dịch bùng phát trong cộng đồng.

1. Sốt xuất huyết là gì?

- Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm gây ra do virus dengue xảy ra nhiều ở vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa nơi có độ ẩm cao mưa nhiều, sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng đầu tháng 04 đến hết tháng 11 hàng năm. Do là bệnh truyền nhiễm lây qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn nên bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, giới tính.

- Với 04 chủng virus dengue lưu hành là Dengue I, Dengue II, Dengue III, Dengue IV nên người bệnh có thể mắc 01 trong 04 chủng trên và khi bị mắc thì người bệnh sẽ có khả năng miễn dịch vĩnh cửu với  chủng virus đó, nhưng không phải với 03 chủng còn lại. Do đó người bệnh có thể mắc nhiều hơn 01 lần sốt xuất huyết trong đời.

2. Chẩn đoán sốt xuất huyết.

- Lâm sàng:

  • Sốt đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày.
  • Người mệt mỏi nhiều, vạt vã, li bì, bứt rứt, giảm nhiệt độ chi, huyết áp hạ, tiểu ít hoặc vô niệu, mạch nhanh yếu.
  • Yếu tố dịch tễ: Sống trong vùng đang có sốt xuất huyết dengue hoặc đi từ vùng dịch về.
  • Có chấm xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tại bất kỳ cơ quan nào.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • Gan to

- Cận lâm sàng:

  • Test dengue dương tính.
  • Công thức máu: Bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm, Hematocrit tăng.

3. Phân độ sốt xuất huyết.

- Sốt xuất huyết được chia thành 4 độ tương ứng với mức độ nguy hiểm như sau:

  • Độ 1: Sốt đột ngột, dai dẳng 2-7 ngày kèm dây thắt dương tính
  • Độ 2: Các triệu chứng độ 1 kèm theo xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.
  • Độ 3: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, da lạnh ẩm, li bì, vật vã, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ.
  • Độ 4: Sốc tuần hoàn, khó bắt mạch, huyết áp kẹt hoặc không đo được.

4. Điều trị sốt xuất huyết.

- Do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh, nên hiện nay y học hiện đại chú trọng điều trị triệu chứng và theo dõi sát tình trạng diễn biến bệnh.

- Theo y học cổ truyền sốt xuất huyết thuộc chứng ôn bệnh, nguyên nhân là do vệ khí bất cố làm ôn độc xâm phạm vào cơ thể, ôn độc tấn công vào phần ngoài cơ thể ( vệ, khí ) gây sốt cao, sau thời gian bệnh thì ôn độc tiến sâu hơn vào trong cơ thể ( dinh, huyết ) gây các chứng ban chẩn, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, máu cam, mệt mỏi, ủ rũ, li bì và nó sẽ tuần tự theo quy luật chuyển biến của bệnh từ nông vào sâu tương ứng với vị trí bị bệnh là vệ - khí – dinh – huyết.Dựa theo vị trí bệnh mà y học cổ truyền sẽ có những phép điều trị tương ứng như sau: 

a.) Ôn độc tấn công phần vệ ( tương ứng độ 1 y học hiện đại )

  • Triệu chứng: Phát sốt, đau đầu, sợ rét, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch phù hoặc phù sác.
  • Pháp chữa: Sơ biểu,thanh nhiệt giải độc.
  • Bài thuốc: Tang cúc ẩm gia giảm.

b.) Ôn độc tấn công phần khí ( tương ứng độ 2 y học hiện đại )

  • Triệu chứng: Sốt cao không sợ lạnh, vã mồ hôi, miệng khát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hồng sác hoặc trầm thực.
  • Pháp chữa: Thanh nhiệt sinh tân, chỉ khát
  • Bài thuốc: Bạch hổ thang gia giảm.

c.) Ôn độc tấn công phần dinh ( tương ứng độ 3 y học hiện đại )

  • Triệu chứng: Phát sốt, phiền táo, thần chí không minh mẫn, mê sảng, loạn ngôn, miệng không khát, có thể thấy xuất huyết lờ mờ dưới da, lưỡi dáng đỏ, rêu ít, mạch tế sác.
  • Pháp chữa:Thanh doanh tiết nhiệt.
  • Bài thuốc: Thanh doanh thang gia giảm.

d.) Ôn độc tấn công phần huyết ( tương ứng độ 4 y học hiện đại )

  • Triệu chứng: Thần chí không minh mẫn, táo quá phát cuồng hoặc li bì hôn mê, xuất huyết dưới da, nôn ra máu, đại tiểu tiện có máu, chất lưỡi ráng đỏ, lưỡi khô không có rêu, mạch trầm tế sác.
  • Pháp chữa: Lương huyết chỉ huyết, thanh nhiệt giải độc.
  • Bài thuốc: Tê giác địa hoàng thang gia giảm.

5. Tiêu chuẩn nhập viện.

- Sống một mình hoặc gia đình không có khả năng chăm sóc và theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân.

- Nhà xa cơ sở y tế, khó tiếp cận dịch vụ y tế khi tình trạng bệnh lý diễn biến xấu.

- Trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai, người cao tuổi.

- Có các bệnh lý nền: Đái tháo đường, tan máu thiếu máu, suy thận, bệnh lý tim mạch, bệnh lý hô hấp mãn tính như hen hay COPD.

- Sốt xuất huyết độ 3, độ 4 hoặc cần phải bù dịch bằng đường tiêm truyền.

6. Tiêu chuẩn xuất viện.

- Không sốt trong 02 ngày, tinh thần tỉnh táo.

- Chỉ số sinh tồn ổn định trong mức bình thường.

- Không có khó thở hoặc suy hô hấp do tràn dịch màng phổi, màng bụng.

- Số lượng tiểu cầu có xu hướng phục hồi và lớn hơn 50.000/mm3.

7. Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà.

- Tuân thủ theo đơn thuốc bác sĩ.

- Tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.

- Chú ý quan sát hiện trạng bệnh nhân sau khi thời gian cắt sốt, vì đây là giai đoạn sự thiếu máu xảy ra trầm trọng hơn dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị khi có các dấu hiệu như: Lừ đừ, mệt mỏi, chi lạnh, đau bụng, xuất huyết tiêu hoá, huyết áp hạ thấp hoặc kẹt, có dấu chứng suy tuần hoàn,..

- Uống đủ nước, bổ sung nước hoa quả, ăn đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể.

8. Hướng dẫn phòng tránh sốt xuất huyết.

 

- Đảm bảo môi trường không cho muỗi sinh trưởng và phát triển: Diệt loăng quăng, diệt muỗi, súc rửa các bình dụng cụ chứa nước, phát quang bụi dậm, thu gom xử lý rác thải, không để đồ chứa nước đọng khu vực xung quanh môi trường sống,..

- Ngủ màn kể cả ban ngày, bôi kem chống muỗi,..

- Nếu phát hiện người bị sốt xuất huyết trong khu vực sinh sống cần báo ngay cơ quan phụ trách kiểm soát dịch bệnh. Để có biện pháp xử lý và khoanh vùng dịch.

- Tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.

Viết bình luận của bạn