Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến: Các thể bệnh và cách phục hồi.

Nguyễn Bá Hào
Th 7 06/04/2024

Di chứng nặng nề của tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến sự tái hoà nhập với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, ngoài giảm hoặc mất chức năng vận động còn có tình trạng rối loạn ngôn ngữ. Trên mỗi bệnh nhân khác nhau thì mức độ biểu hiện của di chứng cũng khác nhau, do đó cần phải có phương pháp trị liệu sớm và đúng cách cho từng bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến là gì?

- Rối loạn ngôn ngữ là một trong những di chứng do tổn thương não thường gặp ở người sau tai biến mạch máu não với biểu hiện như: Méo tiếng, nói khó, nói lặp,  hoặc không nói được, khó khăn trong việc lặp lại lời nói của người khác hay của chính mình, các câu nói có thể là vô nghĩa.

2. Các thể rối loạn ngôn ngữ?

- Rối loạn ngôn ngữ được chia thành 4 thể dựa theo vị trí tổn thương tại não bộ như sau:

  • Tổn thương vùng Broca ( Vùng sinh ra ngôn ngữ ): Tổn thương gặp phổ biến hơn cả, người bệnh hiểu những gì mình muốn nói và người khác nói nhưng không nói ra được hoặc khó khan trong việc lặp lại lời nói của người khác hay chính mình.
  • Tổn thương vùng Wernike ( Vùng hiểu ngôn ngữ ): Người bệnh có thể nói được nhưng không hiểu lời người khác nói với mình, các câu nói thường vô nghĩa, khả năng lặp lại lời nói của người khác kém.
  • Tổn thương đường dẫn truyền kết nối giữa vùng Broca và vùng Wernicke: Người bệnh có khả năng nói và hiểu lời người khác nói nhưng lặp lại câu nói của người khác hoặc chính mình kém. Người bệnh nhận biết được thiếu sót này và thường tự muốn sửa chữa.
  • Tổn thương toàn bộ các vùng chức năng ngôn ngữ: Người bệnh không nói được hoặc nói kém, không lưu loát, khả năng hiểu và lặp lại kém.

3. Rối loạn ngôn ngữ có khả năng phục hồi không?

- Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến có thể phục hồi được nếu bệnh nhân kiên trì tập luyện dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc và gia đình.

4. Thời điểm thích hợp nhất để phục hồi chức năng rối loạn ngôn ngữ?

- Phục hồi chức năng rối loạn ngôn ngữ sau tai biến cần được thực hiện càng sớm càng tốt, có thể là ngay sau quá trình bệnh nhân ổn định khoảng 3 - 4 ngày, đây là thời gian vàng cho quá trình hồi phục.

- Thời gian đem lại hiệu quả cao cho quá trình hồi phục là khoảng 3 tháng đầu sau tai biến, chậm hơn ở 3 tháng tiếp theo.

- Từ 6 – 12 tháng sau tai biến thì khả năng phục hồi chức năng chậm dần và ổn định,  một số trường hợp chức năng vẫn cải thiện trong những năm tiếp theo.

5. Cách chăm sóc bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ?

- Chăm sóc về tâm lý: Cần động viên người bệnh tích cực tập luyện tránh rơi vào tâm trạng mặc cảm, tự ti, lo âu quá,..

- Chăm sóc dinh dưỡng: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân để giúp bệnh nhân có thể trạng và sức khỏe tốt nhất trong quá trình phục hồi.

- Chăm sóc vệ sinh: Cần đặc biệt chú ý chăm sóc đảm bảo giữ vệ sinh cho bệnh nhân, đề phòng loét ép, nhiễm trùng da bệnh nhân.

- Chế độ luyện tập cho bệnh nhân: Hỗ trợ bệnh nhân tập luyện đều hàng ngày, có chế độ lăn trở bệnh nhân mỗi 2 giờ một lần phòng loét ép có thể xảy ra.

- Tuân thủ chế độ điều trị của thầy thuốc, tái khám đúng định kỳ.

6. Các bài tập phục hồi chứng rối loạn ngôn ngữ?

- Tập nói tự nhiên: Khuyến khích và động viên bệnh nhân nói các từ đơn giản và quen thuộc như bảng chữ cái, đếm số, ngày tháng,…một cách chậm dãi có khoảng nghỉ giữa các từ.

- Tập nói tên đồ vật xung quanh hay những thứ thân thuộc với bệnh nhân như: Sách, vở, bút, bàn, ghế, kim, chỉ,…

- Tập mô tả các đồ vật xung quanh để bệnh nhân nhận biết được đồ vật, và tìm được tên gọi của chúng.

  • VD: Gợi ý cho bệnh nhân dùng cái gì để đo chiều cao – bệnh nhân cho biết cái thước, cái gì để đắp khi trời lạnh – bệnh nhân trả lời cái chăn,..

- Tập mô tả màu sắc của đồ vật xung quanh như: Hướng dẫn bệnh nhân mô tả được màu sắc của đồ vật.

  • VD: Đưa cái chai có màu sắc cho bệnh nhân xem – bệnh nhân phải mô tả lại màu sắc của cái chai mà bệnh nhân nhìn thấy.

- Tập mô tả về hình ảnh: Đưa người bệnh bức tranh hay ảnh sau đó hướng dẫn bệnh nhân mô tả về nội dung của nó.

  • VD: Đưa bức tranh có hình con gà, người bệnh mô tả về con gà, màu lông, giới tính,..

- Tập đọc: Cho bệnh nhân tập đọc từ những từ đơn giản, ngắn đến phức tạp và dài dần, sau có thể cho đọc sách, báo,..

- Tập tìm từ đối nghĩa: Với sự mô tả của thầy thuốc, người thân về các từ thì bệnh nhân sẽ tìm các từ đối nghĩa lại.

  • VD: Từ nóng – bệnh nhân đối lại bằng từ lạnh, từ trên – đối với từ dưới, từ gần – đối với từ xa.

- Khuyến khích bệnh nhân tập hát, đọc thơ, nghe nhạc,..

- Khả năng nói của bệnh nhân sẽ cải thiện sau quá trình kiên trì tập luyện, giúp bệnh nhân có thể đọc báo, nói chuyện, giao tiếp được thuận lợi.

7. Các vấn đề cần lưu ý khi hướng dẫn bệnh nhân tập luyện.

- Tránh không khí căng thẳng khi hướng dẫn bệnh nhân.

- Không để bệnh nhân mặc cảm, tự ti về bệnh tật, luôn động viên bệnh nhân tích cực luyện tập.

- Không hướng dẫn bệnh nhân như một đứa trẻ nếu bệnh nhân đã có tuổi, tránh cho bệnh nhân bị tổn thương tâm lý.

- Không ép bệnh nhân tập quá sức, quá trình đưa ra các bài tập phải có lộ trình rõ ràng từ dễ đến khó để quá trình phục hồi có được hiệu quả tránh tác dụng ngược.

- Không để các bài tập trở nên nhàm chán: Phải thay đổi các bài tập khác nhau để tạo hứng thú tập luyện cho bệnh nhân.

- Chú ý kiểm soát huyết áp, các bệnh kèm theo, chế độ dinh dưỡng, nghỉ nghơi, thuốc và các phương pháp điều trị toàn trạng đang sử dụng trên bệnh nhân.

Viết bình luận của bạn