Dấu hiệu cảnh báo và nguyên nhân mắc hội chứng đường hầm cổ tay.

Nguyễn Bá Hào
Th 5 04/04/2024

1. Hội chứng đường hầm cổ tay là gì?

Hội chứng đường hầm cổ tay ( ống cổ tay ) là tình trạng chèn ép thần kinh giữa khi đi qua ống cổ tay với biểu hiện đau, tê bì, giảm hoặc mất cảm giác vùng bàn ngón tay thần kinh giữa chi phối. Bệnh không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và công việc hàng ngày của bệnh nhân.

2. Đối tượng dễ mắc hội chứng đường hầm cổ tay?

- Yếu tố tuổi: Bệnh lý hay gặp ở những người từ độ tuổi trung niên trở nên do trải qua quá trình làm việc lâu dài gây ảnh hưởng đến cơ khớp vùng cổ bàn ngón tay.

- Giới: Tỉ lệ phụ nữ mắc cao hơn nam giới do yếu tố công việc hàng ngày.

- Nghề nghiệp: Giáo viên, công nhân, lái xe, những người làm việc văn phòng hay phải đánh máy tính nhiều, thợ cắt tóc, thợ làm bánh, thợ thủ công, nhạc công, hoạ sĩ,…

3. Dấu hiệu cảnh báo bạn phải đến gặp bác sĩ?

Thấy các cảm giác bất thường ở cổ tay, ngón tay: Xuất hiện các triệu chứng tê bì, nóng ran và đau mỏi cổ tay, ngón tay.

Khó khăn trong cầm nắm đồ vật, yếu các cơ ngón tay.

4. Nguyên nhân gây ra hội chứng đường hầm cổ tay?

- Bẩm sinh: Khi sinh ra cấu trúc giải phẫu đường hầm ống cổ tay hẹp khiến dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép.

- Giới tính: Phụ nữ có cấu trúc đường hầm hẹp hơn nam giới và tính chất công việc của phụ nữ hay làm những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ khéo léo với đôi tay như may vá, thêu thùa, giặt giũ,..nên có tỉ lệ mắc cao hơn nam giới.

- Nghề nghiệp: Những công việc làm việc liên quan đến vận động của cổ bàn tay nhiều như người làm công việc văn phòng đánh máy tính nhiều, giáo viên viết nhiều, công nhân, người chơi đàn, thợ sơn,…dễ dẫn đến việc đau mỏi cổ tay hoặc yếu tố viêm các gân cơ vùng đường hầm cổ tay.

- Bệnh lý: Thoát vị bao hoạt dịch, viêm khớp mạn tính, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp.

- Chấn thương: Các tổn thương vùng khớp, trật khớp khiến thay đổi cấu trúc đường hầm cổ tay làm chít hẹp dễ gây chèn ép thần kinh giữa.

- Thai kỳ: Thay đổi nội tiết tố có thể gây viêm các thành phần trong ống cổ tay.

5. Chẩn đoán hội chứng đường hầm cổ tay?

- Cơ năng: đau xương ống cổ tay, dị cảm bàn tay, tê bì bàn tay, giảm hoặc mất cảm giác vùng thần kinh giữa chi phối, yếu cổ bàn tay.

- Thực thể:

  • Nghiệm pháp phalen dương tính: Khi gấp hai cổ bàn tay sát nhau 90 độ khoảng 60 giây, bệnh nhân xuất hiện hoặc tăng các triệu chứng chi phối của thần kinh giữa.
  • Nghiệm pháp tinel dương tính: Gõ vào vùng ống cổ tay, bệnh nhân thấy đau và tê theo sự chi phối thần kinh giữa.
  • Nghiệm pháp Durkan dương tính: Ấn và giữ một lực vào vị trí giữa nếp gấp cổ tay trên 30 giây, bệnh nhân thấy tê bì và đau tăng lên theo sự chi phối thần kinh giữa.

- Cận lâm sàng:

  • Đo điện cơ đồ: Giảm tốc độ dẫn truyền cảm giác và tăng độ tiềm vận động.
  • Siêu âm khớp cổ tay: Thấy viêm tràn dịch các bao hoạt dịch, các khối u, dây thần kinh giữa phù nề do bị chèn ép.

♦ Một người được chẩn đoán xác định bị hội chứng đường hầm cổ tay khi có ít nhất một trong các triệu chứng cơ năng cộng với một trong các triệu chứng thực thể hoặc cận lâm sàng như trên.

Viết bình luận của bạn