Khái quát về đường đi và ứng dụng điều trị hệ kinh mạch chính trên cơ thể

Nguyễn Bá Hào
Th 3 04/06/2024

Hệ thống kinh mạch trong Y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam là nền tảng cho việc chẩn đoán và điều trị theo YHCT. Theo kinh điển có 14 đường kinh mạch chính gồm 12 đường kinh chính xuyên suốt cơ thể và 2 mạch nhâm, mạch đốc. Mỗi đường kinh mạch tương ứng với một cơ quan, có mối liên hệ mật thiết với nhau và đều có những đặc điểm, chức năng cụ thể. Dưới đây là sơ lược về đường đi và ứng dụng điều trị của hệ thống kinh mạch chính.

1. Phân bố vị trí các đường kinh mạch trên cơ thể

Các đường kinh có liên quan mật thiết với từng cơ quan và chức năng ảnh hưởng của cơ quan lên cơ thể cũng phản ánh lại qua chính các đường kinh đó, do vậy chúng được đặt tên theo chính các cơ quan chi phối liên quan gồm:

1.1. Ba kinh âm ở tay

  • Kinh phế: Thủ thái âm phế kinh.
  • Kinh tâm: Thủ thiếu âm tâm kinh.
  • Kinh tâm bào: Thủ quyết âm tâm bào.

1.2. Ba kinh dương ở tay

  • Kinh đại trường: Thủ dương minh đại trường.
  • Kinh tiểu trường: Thủ thái dương tiểu trường.
  • Kinh tam tiêu: Thủ thiếu dương tam tiêu.

1.3. Ba kinh âm ở chân

  • Kinh tỳ: Túc thái âm tỳ.
  • Kinh thận: Túc thiếu âm thận.
  • Kinh can: Túc quyết âm can kinh.

1.4. Ba kinh dương ở chân

  • Kinh vị: Túc dương minh vị.
  • Kinh đởm: Túc thiếu dương đởm.
  • Kinh bàng quang: Túc thái dương bàng quang.

1.5. Hai mạch gồm

  • Mạch nhâm.
  • Mạch đốc.

2. Đường đi và ứng dụng điều trị của 14 đường kinh mạch

2.1. Kinh phế ( Thủ thái âm phế kinh )

Kinh Biệt Phế

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ trung tiêu ( Vị ) xuống liên lạc với đại trường sau đó quay lên dạ dày ( Môn vị, tâm vị ) xuyên qua cơ hoàng lên phế. Từ phế tiếp tục lên thanh quản, họng rẽ ngang xuống dưới hố nách rồi đi ở mặt trước ngoài cánh tay xuốnga khuỷu, tiếp tục đi ở mặt trước cẳng tay đến bờ trong trước đầu dưới xương quay ( chỗ mạch thốn ) xuống bờ ngón tay cái ( Ngư tế ) tận cùng ở góc móng ngón tay cái ( phía xương quay ).
  • Phân nhánh: Từ liệt khuyết tách ra 1 nhánh đi ở phía mu tay xuống đến góc móng ngón tay trỏ ( phía xương quay ) và nối với kinh dương minh đại trường.

- Ứng dụng điều trị: Các bệnh chứng thuộc phế, ngực, hầu họng, sốt, tự hãn, đạo hãn, tiểu đường và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.2. Kinh tâm ( Thủ thiếu âm tâm kinh )

Kinh Biệt Tâm

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ trong tâm ra thuộc tâm hệ, đi xuống qua cơ hoành lạc với tiểu trường.
  • Một nhánh lên cổ họng chạy thực quản liên hệ với mặt.
  • Một đường từ tâm qua phế ra hõm nách. Sau đó chạy dọc theo bờ ngoài cánh tay ra phía ngoài kinh tâm bào, xuống khuỷu tay dọc theo bờ ngoài cẳng tay tới mỏm châm trụ. Tiếp tục dọc theo mé ngoài gan bàn tay, qua mô út ngón út tới đầu ngón nối tiếp với kinh thủ thiếu dương tiểu trường.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh thuộc vùng ngực và tâm, thần chí, đại não phát dục không đầy đủ, thần kinh suy nhược, trúng phong á khẩu và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.3. Kinh tâm bào ( Thủ quyết âm tâm bào )

Kinh Tâm Bào

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ trong ngực thuộc tâm bào lạc xuyên cơ hoành xuống liên lạc với thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu.
  • Một nhánh từ ngực ra cạnh sườn đến dưới nếp nách 3 thốn, vòng lên nách rồi theo mặt trước cánh tay đi giữa kinh thái âm phế và thiếu âm tâm vào giữa khuỷu tay, xuống cẳng tay đi gữa hai gân vào gan tay, đi dọc giữa ngón giữa đến đầu ngón tay.
  • Một nhánh phân ra từ gan tay đi dọc bờ ( phía ngón út ) của ngón nhẫn đến đầu ngón nối với kinh thiếu dương tam tiêu.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh thuộc vùng ngực và tâm, thần chí, đại não phát dục không đầy đủ, thần kinh suy nhược, hen suyễn, sốt rét và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.4. Kinh đại trường ( Thủ dương minh đại trường )

Kinh Biệt Đại Trường

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ góc móng tay trỏ ( phía xương quay ) dọc bờ ngón tay trỏ ( phía mu tay ) đi qua kẽ giữa hai xương bàn tay số 1 và 2 ( Hợp cốc ) vào hố lào giải phẫu ( chỗ lõm giữa hai gân cơ ruỗi dài và ngắn ngón cái) dọc bơg ngoài ( phía xương quay ) cẳng tay vào chỗ lõm phía ngoài khuỷu ( Khúc trì ), dọc phía trước ngoài cánh tay đến phía trước mỏm vai giao hội với kinh thái dương tiểu trường ở huyệt bỉnh phong, với mạch đốc ở đại truỳ ( nơi hội tụ của 6 kinh dương ) trở lại hố trên đòn ( khuyết bồn ) xuống liên lạc với phế, qua cơ hoành đi xuống thuộc về đại trường.
  • Một nhánh phân ra từ hố trên đòn qua cổ lên mặt vào chân răng hàm dưới rồi vòng lên môi trên, hai kinh giao nhau ở nhân trung và kinh bên phải tận cùng ở cánh mũi bên trái, kinh bên trái tận cùng ở cánh mũi bên phải để tiếp nối với kinh dương minh vị.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh vùng trước đầu, mặt, miệng, răng, mắt, tai, mũi, hầu họng, bệnh vùng ngực, phát sốt, phong chẩn, cao huyết áp và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.5. Kinh tiểu trường ( Thủ thái dương tiểu trường )

Kinh Tiểu Trường

- Đường đi:

  • Từ góc trong chân móng tay út dọc đường nối da gan tay và da mu tay lên cổ tay đi qua mỏm châm xương trụ, dọc bờ phía ngón út xương trụ đến mỏm khuỷu và lồi cầu trong xương cánh tay, tiếp tục đi ở bờ trong mặt sau cánh tay lên mặt sau khớp vai đi dích dắc ở trên và dưới gai xương bả vai gặp kinh thái dương bàng quang ( đại trữ ) và mạch đốc ( đại chuỳ ) đi vào hố trên đòn ( khuyết bồn ) xuống liên lạc với tâm, dọc theo thực quản qua cơ hoành đến vị và về tiểu trường.
  • Một nhánh từ khuyết bồn dọc cổ lên má đến đuôi mắt rồi vào trong tai.
  • Một nhánh từ má ( thiên dung ) đến bờ dưới hố mắt, đến hốc mũi, gần mắt để nối với kinh thái dương bàng quang ( tình minh ) rồi xuống gò má.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh vùng bả vai, cổ gáy, đầu, mắt, tai, hầu họng, bệnh thần chí, phát sốt, đau thắt lưng và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.6. Kinh tam tiêu ( Thủ thiếu dương tam tiêu )

Kinh Biệt Tam Tiêu

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ ngón tay đeo nhẫn dọc bờ mu ngón tay ( phía ngón út ) lên kẽ ngón út và ngón nhẫn dọc mu tay ( giữa 2 xương bàn tay 4 và 5 ) lên cổ tay đi giữa hai xương ( quay và trụ ) qua mỏm khuỷu dọc mặt sau ngoài cánh tay lên vai bắt chéo ra sau kinh thiếu dương đởm, qua vai ( kiên tỉnh ) vào hố trên đòn ( khuyết bồn ) xuống giữa hai vú ( đản trung ), liên lạc với tâm bào qua cơ hoành, từ ngực xuốn bụng thuộc về thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu.
  • Một nhánh từ đản trung lên hố trên đòn ( khuyết bồn ) lên gáy đến sau tai, dọc theo rìa tai lên mỏm trên rìa tai, vòng xuống mặt rồi lên đến hố mắt.
  • Một nhánh từ sau tai đi vào trong tai, ra trước tai, đi trước huyệt thượng quan đến đuôi mắt để tiếp nối với kinh thiếu dương đởm.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh vùng bên đầu, tai, mắt, hầu, bệnh ở ngực sườn, phát sốt, phong chẩn, táo bón và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.7. Kinh tỳ ( Túc thái âm tỳ )

Kinh Tỳ

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ góc trong chân móng ngón chân cái dọc theo đường nối da mu bàn chân và da gan chân đến đầu sau xương bàn chân thứ nhất rẽ lên trước mắt cá trong, lên cẳng chân dọc bờ sau xương chày, bắt chéo kinh túc quyết âm can ròi đi ở phía trước kinh này lên mặt trong khớp gối, phía trước của mặt trong đùi, đi vào trong bụng thuộc về tạng tỳ, liên lạc với vị, xuyên qua cơ hoành đi qua ngực đến huyệt chu vinh xuống huyệt đại bao rồi lại đi lên dọc hai bên thanh quản thông với cuống lưỡi, phân bố ở lưỡi.
  • Một nhánh từ vị qua cơ hoành đi vào giữa tâm để nối với kinh thiếu âm tâm.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh hệ sinh dục tiết niệu, bệnh tràng vị, các chứng xuất huyết, thiếu máu, mất ngủ, thuỷ thũng và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.8. Kinh thận ( Túc thiếu âm thận )

Kinh Thận

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ mặt dưới ngón chân út vào trong lòng bàn chân, dọc dưới xương thuyền phía trong bàn chân ( nhiên cốc ) đi sau mắt cá trong vòng xuống gót rồi ngược lên bắp chân, dọc bờ sau xương chày lên phía trong kheo chân, phía sau mặt trong đùi vào cột sống thuộc về thận, liên lạc với bàng quang.
  • Một nhánh từ thận lênn gan qua cơ hoành vào phế, đi cạnh thanh quản vào cuống lưỡi.
  • Một nhánh từ phế ra liên hệ với tâm rồi phân bố ở ngực và tiếp nối với kinh quyết âm tâm bào.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh nội tiết và hệ sinh dục tiết niệu, thần kinh suy nhược, bẹnh chứng vùng hầu, ngực, thắt lưng và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.9. Kinh can ( Túc quyết âm can kinh )

Kinh Can

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ chòm lông góc ngoài móng ngón chân cái, dọc mu chân lên trước mắt cá trong 1 tấc lên cẳng chân giao với kinh thái âm tỳ rồi bắt chéo ra sau kinh kinh thái âm tỳ ở trên mắt cá trong 8 tấc, lên bờ trong kheo chân, dọc mặt trong đùi vào lông mu, vòng quanh bộ phận sinh dục ngoài lên bụng dưới, đi song song với kinh vị ( thuộc về can ) liên lạc với kinh túc thiếu dương đởm, xuyên qua cơ hoành lên phân bố ở cạnh sườn đi dọc sau khí quản, thanh quản lên vòm họng, lên nối với tổ chức mạch quanh mắt ra trán rồi hội với mạch đốc ở giữa đỉnh đầu ( bách hội ).
  • Một nhánh từ tổ chức mạch quanh mắt xuống má vòng vào trong môi.
  • Một nhánh từ can qua cơ hoành vào phế để nối với kinh thái âm phế.

- Ứng dụng điều trị: Bệnh cao huyết áp, mất ngủ, nhức đầu, mộng mị, bệnh chứng thuộc đàm sinh ra, bệnh hệ sinh dục tiết niệu và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.10. Kinh vị ( Túc dương minh vị )

Kinh Vị 

- Đường đi:

  • Khởi đầu từ chỗ lõm ở hai bên sống mũi lên khóe mắt trong (giao với kinh Bàng quang ở huyệtTình minh), chạy tiếp đến dưới hố mắt (đoạn này đường kinh đi chìm). Đoạn nổi bắt đầu từ giữa dưới hố mắt, đi dọc theo ngoài mũi, vào hàm trên, quanh môi, giao chéo xuống hàm dưới giữa cằm, đi dọc theo dưới má đến góc hàm (Giáp xa). Tại đây chia hai nhánh:
  • Một nhánh qua trước tai, qua chân tóc lên đỉnh trán (Đầu duy).
  • Một nhánh đi xuống cổ đến hố thượng đòn. Từ hố thượng đòn đường kinh lại chia làm hai nhánh nhỏ (chìm và nổi).
  • Nhánh chìm: đi vào trong đến Tỳ Vị, rồi xuống bẹn để nối với nhánh đi nổi bên ngoài.
  • Nhánh nổi: đi thẳng xuống ngực theo đường trung đòn. Đến đoạn ở bụng, đường kinh chạy cách đường giữa bụng 2 thốn và đến nếp bẹn.
  • Hai nhánh nhỏ này hợp lại ở nếp bẹn, đường kinh chạy xuống theo bờ ngoài đùi, đến bờ ngoài xương bánh chè. Chạy xuống dọc bờ ngoài cẳng chân đến cổ chân (Giải khê), chạy tiếp trên lưng bàn chân giữa xương bàn ngón 2 và 3 và tận cùng ở góc ngoài gốc móng ngón 2.

- Ứng dụng điều trị: Các bệnh thuộc vùng trước đầu, mặt, miệng, răng, hầu họng, bệnh tràng vị, bệnh thần chí, cao huyết áp, thiếu máu, thiếu bạch cầu, suy nhược cơ thể và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.11. Kinh đởm ( Túc thiếu dương đởm )

Kinh Đởm

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ đuôi mắt, lên góc trán vòng xuống sau tai, vòng từ sau đầu ra trước trán, vòng trở lại gáy đi dọc cổ xuống mặt trước vai vào hố trên đòn rồi xuống nách, chạy xuống theo vùng hông sườn đến mấu chuyển lớn, tiếp tục đi xuống theo mặt ngoài đùi, đến bờ ngoài khớp gối, xuống cẳng chân chạy trước ngoài xương mác, trước mắt cá ngoài, chạy tiếp trên lưng bàn chân giữa xương bàn ngón 4 và 5 và tận cùng ở góc ngoài gốc móng thứ 4.
  • Từ đuôi mắt có nhánh ngầm đi xuống hố thượng đòn, vào trong ngực liên lạc với Can - Đởm rồi xuống tiếp vùng bẹn để đến nối với nhánh bên ngoài ở mấu chuyển lớn.

- Ứng dụng điều trị: Các bệnh chứng vùng bên đầu, mắt, tai, ngực sườn, bệnh thần chí, phát sốt, xay xẩm, sưng chân, táo bón, các chứng bệnh thuộc chứng liên quan đến can đởm và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.12. Kinh bàng quang ( Túc thái dương bàng quang )

Kinh Bàng Quang

- Đường đi:

  • Bắt đầu từ khóe mắt trong (Tình minh), chạy lên trán, vòng từ trước trán ra sau gáy (ở đoạn này đường kinh có nhánh giao hội với Đốc mạch ở đầu, tách một nhánh ngang đi từ đỉnh đầu đến mỏm tai và một nhánh vào não). Từ đấy chia làm 2 nhánh:
  • Nhánh 1 chạy xuống lưng cách đường giữa lưng 1,5 thốn, chạy tiếp xuống mông, mặt sau đùi rồi vào giữa khoeo chân.
  • Nhánh 2 chạy xuống lưng cách đường giữa lưng 3 thốn, chạy tiếp ở phía ngoài mặt sau đùi đến hợp với nhánh thứ 1 ở giữa khoeo chân (Ủy trung).
  • Đường kinh tiếp tục chạy xuống mặt sau cẳng chân, xuống phía sau mắt cá ngoài (tại huyệt Côn lôn) rồi chạy dọc bờ ngoài mu bàn chân đến tận cùng ở góc ngoài gốc móng chân thứ 5.
  • Đường kinh Bàng quang ở vùng thắt lưng có nhánh ngầm đi vào thận rồi đến Bàng quang.

- Ứng dụng điều trị: Các chứng bệnh vùng lưng eo, sau gáy, sau đầu, đỉnh đầu, mắt, các tạng phủ liên quan đến hệ du huyệt ở lưng thuộc đường kinh, phát sốt, bệnh thần chí, thai vị khác thường và các chứng bệnh mà đường kinh này đi qua.

2.13. Mạch nhâm

Mạch Nhâm

- Đường đi:

  • Mạch nhâm khởi lên từ thận, đến huyệt hội âm, chạy vòng ngược lên xương vệ qua huyệt quan nguyên theo đường giữa bụng ngực lên mặt đến hàm dưới tại huyệt thừa tương.
  • Từ huyệt thừa tương có những mạch vòng quanh môi, lợi ròi liên lạc với mạch đốc tại huyệt ngân giao.
  • Một nhánh từ thừa tương xuất phát 2 nhánh đi 2 bên đến huyệt thừa khấp rồi đi sâu vào trong mắt.

- Ứng dụng điều trị: Đau tức vùng bụng dưới, hơi dồn từ dưới lên trên, ở nam đau tinh hoàn, tinh hoàn ứ nước, ở nữ khí hư rối loạn kinh nguyệt, hiếm muộn.

2.14. Mạch đốc

Mạch Đốc

- Đường đi:

  • Bắt nguồn từ thận chạy đến huyệt hội âm, chạy tiếp đến huyệt trường cường. Từ đây chạy tiếp lên trên dọc theo cột sống đến cổ tại huyệt phong phủ, chạy tiếp lên đỉnh đầu đến huyệt bách hội, vòng ra trước trán xuống mũi, môi trên ( nhân trung ) và giao nhau ở nướu răng hàm trên.
  • Từ phong phủ có nhánh chạy vào trong não.
  • Từ phong phủ có nhánh đi ngược xuống 2 bả vai để nối với kinh cân của túc thái dương bàng quang, chạy tiếp xuống mông và tận cùng ở bộ phận sinh dục, tiết niệu.
  • Từ huyệt trung cực xuất phát 2 nhánh:
  • Nhánh lên trên: Theo kinh cân tỳ đến rốn, tiếp tục đi lên theo mặt sau thành bụng qua tâm, xuất hiện trở ra ở ngực để nối với kinh cân của bàng quang ở ngực, chạy tiếp đến cổ, mặt, đi sâu vào đồng tử và kết thúc ở huyệt tình minh.
  • Nhánh đi xuống: Theo bộ phận sinh dục – tiết niệu đến trực tràng, đến mông nối với kinh bàng quang rồi chạy ngược lên đầu đến tận cùng ở huyệt tình minh ( từ đây đi sâu vào trong não ). Lại đi theo kinh thận đi xuống đến thắt lưng ở huyệt thận du rồi đi vào thận.

- Ứng dụng điều trị: Duy trì nguyên khí của cơ thể, điều trị đau cứng cột sống, đau đầu, váng đầu, tiểu tiện không tự chủ, đau vùng hố chậu lan lên ngực, đau vùng tim lan ra sau lưng, co giật, mất tiếng, cứng và run các chi, chảy nước mắt, đau răng, sưng hầu họng.

3. Áp dụng hệ thống kinh lạc trong điều trị bệnh tại Bảo Đại Đường

- Học thuyết kinh lạc chủ trương trị bệnh từ gốc rễ, không chỉ chú trọng điều trị triệu chứng nhất thời mà còn nhằm hiệu chỉnh các vấn đề sâu xa trong cơ thể, phục hồi và cân bằng toàn diện. Theo quan niệm của YHCT, khí huyết lưu thông trong các kinh lạc, giữ cân bằng và hỗ trợ các chức năng cơ thể. Khi có sự cản trở hoặc bất thường trong lưu thông này, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh tật.

- Phương pháp điều trị theo hệ thống kinh lạc tại Bảo Đại Đường bao gồm dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và các phương pháp khác để kích thích hoặc điều hòa luồng khí huyết, từ đó giúp phục hồi sức khỏe và cân bằng cơ thể.

Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Đại Đường

  • Địa chỉ:

    • Số 148, Ngõ 91, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội

    • Số 22/11, Ngõ 348, Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội

  • Số điện thoại: 0842211348

  • Email: baodaiduong.vn@gmail.com

  • Facebook: Đông y Bảo Đại Đường