Viêm da dị ứng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị.

Nguyễn Bá Hào
Th 3 26/03/2024

1. Viêm da dị ứng là gì?

- Theo y học hiện đại: Là tình trạng quá mẫn của hệ miễn dịch do cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng bên ngoài môi trường đem lại gọi là các dị nguyên, khi các dị nguyên xâm nhập vào cơ thể thông qua tiếp xúc, hô hấp, tiêu hóa,..sẽ gây ra phản ứng kháng nguyên – kháng thể làm giải phóng các chất histamine và trung gian hóa học. Những chất này sẽ gây ra các phản ứng dị ứng với biểu hiện như phù nề, nổi mề đay, mụn, mẩn ngứa xuất hiện trên bề mặt da.

2. Biểu hiện của viêm da dị ứng?

- Da nổi mề đay có thể thành từng mảng, nổi mụn nước, da nhạy cảm có thể sung nề,.. Các mảng da nổi màu đỏ hoặc nâu xám, đặc biệt ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, ngực, mặt, mí mắt, da đầu.

- Da khô, nứt nẻ, bong vẩy.

- Ngứa là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, có thể ngứa dâm ran khắp người

- Người bứt rứt khó chịu, có thể có cơn bốc hỏa.

- Ho sốt, chảy dịch mũi,..

3. Nguyên nhân gây viêm da dị ứng?

- Yếu tố di truyền: Gia đình có người thân mắc viêm da dị ứng thì rất có khả năng làm tăng tỉ lệ mắc bệnh của người có liên quan.

- Suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.

- Môi trường: Thường xuyên phải tiếp xúc với các chất gây kích ứng dị ứng như bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất,..

4. Viêm da dị ứng có lây không?

Viêm da dị ứng là căn bệnh “Không” lây truyền từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.

5. Y học cổ truyền điều trị viêm da dị ứng.

Theo y học cổ truyền:Viêm da dị ứng thuộc chứng mề đay, phong chẩn nguyên nhân do phong nhiệt độc hoặc do đồ ăn thức uống xâm phạm vào cơ thể, uất tụ hoá nhiệt làm cho khí huyết bị rối loạn gây nên các chứng ban chẩn, ngứa đỏ xuất hiện trên da.

5.1) Thể phong nhiệt:

- Triệu chứng: Da nổi ban đỏ, rát da, ngứa gãi nhiều, miệng khô phiền táo, khát nhiều, bệnh tăng khi trời nóng, giảm khi chườm mát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

- Pháp chữa: Khu phong thanh nhiệt, lương huyết.

- Bài thuốc: Ngân kiều tán gia giảm

Liên kiều

Kim ngân hoa

Ngưu bàng tử

Lô căn

Cát cánh

Trúc diệp

Đạm đậu xị

Kinh giới

Bạc hà

Cam thảo

Sắc uống ngày 01 thang.

5.2) Thể huyết nhiệt:

- Triệu chứng: Nổi ban đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, mụn phỏng loét chảy nước, đau nhiều, sốt cao, khát nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dầy, mạch hoạt sác.

- Phép chữa: Thanh nhiệt lương huyết, giải độc.

- Bài thuốc: Thanh ôn bại độc ẩm gia giảm.

Thạch cao

Cát cánh

Tri mẫu

Hoàng liên

Huyền sâm

Đan bì

Cam thảo

Hoàng cầm

Sinh địa

Sơn thù

Trúc diệp

Thuỷ ngưu giác

Sắc uống ngày 01 thang.

5.3) Mẹo dân gian.

Ngoài việc sử dụng các bài thuốc sắc bằng đường uống trên, bệnh nhân có thể kết hợp một số phương pháp dân gian đun nước lá tắm để dùng ngoài sau:

  • Lá khế

- Tính vị: Vị chát tính hàn.

- Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, giải dị ứng.

- Cách làm: Dùng lá khế tươi khoảng 01 nắm cho vào nồi đun sôi, sau pha ra nước đủ ấm để tắm và ngâm rửa người, ngày làm 01 lần . Sẽ thấy hiệu quả giảm ngứa rõ rệt sau vài ngày sử dụng.

  • Lá trầu không:

- Tính vị: vị cay tính ấm.

- Công dụng: Kháng viêm, kháng nấm.

- Cách làm: Lá trầu không 15 – 20 lá, cho vào nồi nước đun sôi thêm ít muối trắng, sau dùng nước tắm và ngâm sẽ có tác dụng giảm viêm kích ứng da.

  • Lá đơn đỏ:

- Tính vị: Vị đắng hơi cay, tính hàn.

- Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, mát gan.

- Cách làm: Lá đơn đỏ rửa sạch cho vào nồi đun sôi, sau đó pha loãng với nước mát để độ ấm vừa phải đem ra ngâm và tắm, kết hợp đun nước lá đơn đỏ để uống giúp giải độc gan, mát gan hiệu quả.

 

Viết bình luận của bạn