Hội chứng ống cổ tay: Điều trị bảo tồn và cách phòng bệnh hiệu quả.

Nguyễn Bá Hào
Th 5 04/04/2024

1. Hội chứng đường hầm cổ tay là gì?

Hội chứng đường hầm cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa chi phối vận động và cảm giác các ngón cái, ngón trỏ, ngón nhẫn bị chèn ép gây cảm giác tê bì, đau tay làm giảm khả năng cầm nắm đồ vật, lao động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Người bệnh cần thăm khám và có kế hoạch điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng.

2. Hội chứng đường hầm cổ tay có nguy hiểm không?

Hội chứng ống cổ tay có thể diễn ra ở các mức độ khác nhau, tuy không ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau trở nên dữ dội và liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến công việc, gây mất an toàn khi trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

3. Biến chứng của hội chứng đường hầm cổ tay?

- Biến chứng chức năng cảm giác: Các cơn đau tê trở thành mãn tính, gây loạn trương lực cơ giao cảm, có thể khiến người bệnh lo âu, căng thẳng kéo dài, trầm cảm, chán ăn, mất ngủ, suy giảm chất lượng cuộc sống.

- Biến chứng chức năng vận động: Khó thực hiện các động tác như cầm nắm đồ vật, lái xe, sử dụng thiết bị điện thoại,…có thể dẫn đến yếu liệt hoàn toàn, không có sức cơ.

- Biến chứng chức năng dinh dưỡng: Giảm chức năng nuôi dưỡng dẫn đến teo các cơ ô mô ngón tay cái, ngón trỏ, ngón nhẫn, các sợi cơ trở nên lỏng lẻo, mất đi sự dẻo dai.

4. Hội chứng đường hầm cổ tay có khỏi được không?

- Nếu được phát hiện và chẩn đoán kịp thời, điều trị đúng phác đồ thì hội chứng đường hầm cổ tay hoàn toàn có thể “chữa khỏi được”.

5. Điều trị hội chứng đường hầm cổ tay.

- Điều trị bảo tồn:

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập giúp tăng cường sức khoẻ của nhóm cơ, thần kinh giữa vùng cổ bàn ngón tay.
  • Bất động cổ tay: Sử dụng nẹp, đai giữ cổ tay giúp giảm áp lực lên dây thần kinh giữa từ đó giúp cải thiện tình trạng bệnh.
  • Châm cứu: Châm cứu sẽ giúp giãn cơ, giải phống sự chèn ép thần kinh giữa trong ống cổ tay.
  • Sử dụng thuốc uống: Tuỳ vào tình trạng viêm của bệnh nhân mà các bác sỹ sẽ có chỉ định thuốc chống viêm giảm đau, bổ thần kinh, tăng dẫn truyền để điều trị bệnh.
  • Thuốc tiêm: Tiêm corticoid tại chỗ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng viêm trong hội chứng đường hầm cổ tay.

- Phẫu thuật: Điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả thì các bác sỹ sẽ chỉ định phẫu thuật mở rộng ống cổ tay để giải phóng sự chèn ép dây thần kinh giữa qua đó cải thiện tình trạng của bệnh.

6. Cách phòng chống hội chứng đường hầm cổ tay.

- Khi làm việc dùng nhiều đến vận động cổ bàn ngón tay, phải biết kết hợp nghỉ ngơi thư giãn cho vùng cổ bàn tay như: Nhẹ nhàng xoa bóp vùng cổ bàn tay khoảng 30 giây để giúp chúng được nghỉ ngơi và hồi phục, có thể phải dùng đến đai quấn cổ tay hỗ trợ giảm áp lực lên cổ tay.

- Thay đổi tư thế ngồi hay làm việc thuận lợi để cho cơ thể được thoải mái và tránh những áp lực đè nén lên chức năng các nhóm cơ vùng cổ, vai, gáy, cánh tay, cổ bàn tay.

- Sử dụng các đồ vật trang thiết bị làm việc phù hợp không gây đau căng cứng trong khi làm việc, giữ ấm đôi tay.

- Chế độ ăn nhiều rau củ quả, tránh ăn quá mặn, quá ngọt, hạn chế thức ăn nhanh.

- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: Rượu bia, thuốc lá, đồ uống có ga,...

- Giữ chỉ số cân nặng ổn định ở mức: BMI từ 18,5 - 23

Viết bình luận của bạn