Di chứng liệt nửa người: Các phương pháp điều trị với y học cổ truyền.

Nguyễn Bá Hào
Th 4 10/04/2024

Liệt nửa người là một trong những di chứng sau tai biến mạch máu não gây ảnh hưởng đến khả năng tự phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày và làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh, để phục hồi chức năng cho người bệnh thì ngoài các phương pháp của y học hiện đại còn phải kể đến phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền mang lại hiệu quả cao trong việc rút ngắn thời gian phục hồi như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc, khí công dưỡng sinh,..

Cùng tìm hiểu về di chứng liệt nửa người sau tai biến mạch máu não theo quan điểm y học cổ truyền qua bài viết sau.

1. Y học hiện đại với di chứng liệt nửa người sau tai biến mạch máu não?

- Liệt nửa người là di chứng gặp phổ biến ở bệnh nhân tai biến mạch máu não có tổn thương thần kinh khu trú tồn tại sau 24h, thường do nguyên nhân mạch máu gây ra như nhồi máu não, xuất huyết não hoặc tổn thương hỗn hợp với các biểu hiện giảm hoặc mất vận động một bên cơ thể kèm theo rối loạn các chức năng thần kinh khác như: Thất ngôn, liệt mặt, rối loạn tự chủ đại tiểu tiện, mê sảng, có thể hôn mê,…

2. Y học cổ truyền với di chứng liệt nửa người sau tai biến mạch máu não?

- Liệt nửa người theo y học cổ truyền thuộc chứng bán thân bất toại với các biểu hiện như: Liệt vận động nửa người trái hoặc phải, thất ngôn, rối loạn cảm giác, rối loạn tự chủ đại tiểu tiện.

3. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền?

- Ngoại phong:

  • Chính khí cơ thể hư suy, vệ khí bất cố, tấu lý sơ hở làm phong tà thừa cơ xâm phạm vào kinh mạch khiến cho khí huyết không thông, kinh mạch tắc trở gây bệnh.

- Nội phong:

  • Ăn uống thất điều, chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi không hợp lý gây tổn thương đến tạng tỳ, tỳ hư không vận hoá được thuỷ thấp làm thuỷ thấp đình trệ lại sinh đàm, đàm tích trệ lâu ngày uất lại hoá hoả, hoả động sinh phong gây bệnh.
  • Tính tình cáu giận, uất ức làm ảnh hưởng chức năng sơ tiết điều đạt của tạng can, can uất hoá hoả, hoả vượng sinh phong mà gây chứng bệnh.
  • Người cao tuổi, mắc các bệnh lâu ngày, công năng can thận suy giảm, thận tinh không nuôi dưỡng được can âm, sinh chứng âm hư. Mà âm hư sinh nội nhiệt, nhiệt động sinh phong gây bệnh.

- Bất nội ngoại nhân:

  • Sang chấn tổn thương vùng đầu gây huyết ứ, khiến khí huyết không thông, kinh mạch tắc trở mà gây bệnh

4. Các thể bệnh phân loại theo y học cổ truyền?

- Thể đàm thấp trệ

- Thể khí trệ huyết ứ

- Thể can dương vượng

- Thể can thận âm hư

5. Điều trị chứng liệt nửa người theo y học cổ truyền?

5.1. Thể đàm thấp trệ:

- Triệu chứng: Người thừa cân, béo phì, mất hoăc giảm vận động và cảm giác một bên người, miệng méo, nói khó hoặc thất ngôn, miệng nhiều nhớt dãi, lưỡi cử động khó khăn, lưỡi nhợt tối, rêu nhờn, mạch huyền hoạt.

- Pháp chữa: Khu phong hoá đàm, hoạt huyết thông lạc.

- Bài thuốc: Đạo đàm thang gia giảm.

Bán hạ chế

Trần bì

Toàn yết

Phục linh

Cam thảo

Chỉ thực

Đởm nam tinh

  • Sắc uống ngày 01 thang.

5.2. Thể khí trệ huyết ứ:

- Triệu chứng: Mất hoăc giảm vận động và cảm giác một bên người, hay tê tay chân, lưỡi nhợt tía hoặc có ban ứ huyết, rêu trắng, mạch tế sáp hoặc hư nhược.

- Pháp chữa: Ích khí, hoạt huyết thông lạc, khứ ứ.

- Bài thuốc: Bổ dương hoàn ngũ thang gia giảm.

Sinh hoàng kỳ

Đương quy

Xích thược

Địa long

Xuyên khung

Đào nhân

Hồng hoa

  • Sắc uống ngày 01 thang.

5.3. Thể can dương vượng:

- Triệu chứng: Mất hoăc giảm vận động và cảm giác một bên người, miệng méo, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, có cơn bốc hoả, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

- Pháp chữa: Tư âm tiềm dương, khứ phong thông lạc.

- Bài thuốc: Bình can tức phong gia giảm.

Bạch thược

Chi tử

Cúc hoa

Địa cốt bì

Đương quy

Mạn kinh tử

Tang thầm

Thạch quyết minh

Thiên ma

Toan táo nhân

Trúc nhự

Cương tàm

  • Sắc uống ngày 01 thang.

5.4. Thể can thận âm hư:

- Triệu chứng: Mất hoăc giảm vận động và cảm giác một bên người, hoa mắt, ù tai, thất ngôn, mặt hồng bốc hoả, lưỡi khô ít rêu, mạch trầm huyền

- Pháp chữa: Bổ can thận âm, thông kinh hoạt lạc

- Bài thuốc: Lục vị địa hoàng thang gia giảm.

Thục địa

Hoài sơn

Miết giáp

Sơn thù

Trạch tả

Mẫu lệ

Phục linh

Đơn bì

  • Sắc uống ngày 01 thang.cô

6. Điều trị không dùng thuốc bằng y học cổ truyền?

- Công thức huyệt:

  • Toàn thân: Hợp cốc, bách hội, tứ thần thông, xuất cốc, ấn đường, thừa tương, kim tân, ngọc dịch.
  • Tại chỗ: Bát tà, bát phong, dương lăng tuyền, túc tam lý, âm lăng tuyền, tam âm giao, thái xung, huyết hải, lương khâu, ân môn, thừa phù, hoàn khiêu, giáp tích, trường du, can du, cách du, đởm du, phế du, tâm du, tỳ du, xích trạch, khúc trì, ngoại quan, nội quan, thủ tâm lý, tý nhu, kiên trinh, kiên ngung, thiên tông, phong trì, phong môn, đại trùy,..

- Xoa bóp bấm huyệt, vận động các khớp, tác động cột sống: Làm 30 phút/lần x 02 lần/ngày.

- Tập thụ động, tập chủ động, tập với kháng trở tùy theo sự phục hồi của bệnh nhân: Làm 30 phút/lần x 02 lần/ngày.

- Châm cứu, ôn châm, cứu ngải các huyệt đạo: Làm 30 phút/lần x 02 lần/ngày.

- Tùy theo phương pháp thích hợp với từng thể bệnh mà ta chọn huyệt theo công thức huyệt trên, có thể dùng các huyệt luôn phiên theo các ngày điều trị khác nhau.

7. Cách chăm sóc bệnh nhân liệt nửa người tại nhà?

- Kiểm soát tốt các nguyên nhân gây ra bệnh: Tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì,..

- Chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân: Chú ý cắt móng tay, móng chân, thay rửa vệ sinh đảm bảo sạch sẽ cho bệnh nhân.

- Phòng loét ép: Lăn trở thay đổi tư thê cho bệnh nhân, khoảng 2 tiếng một lần với bệnh nhân mất vận động.

- Chăm sóc tinh thần: Thường xuyên động viên tinh thần bệnh nhân tích cực tham gia điều trị, không bỏ mặc bệnh nhân tránh gây tình trạng tâm lý tự ti cho bệnh nhân, khuyến khích bệnh nhân tự làm các công việc trong sinh hoạt hàng ngày dưới sự chỉ dẫn của thầy thuốc hoặc người nhà.

- Chế độ dinh dưỡng: Cần chú ý về đồ ăn cho bệnh nhân đủ dinh dưỡng, chất xơ, rau xanh, vitamin,..và không gây trở ngại trong quá trình tiếp nhận thức ăn bằng đường xông hoặc trực tiếp.

- Chế độ luyện tập: Nhắc bệnh nhân tập luyện đều đặn, đúng, đủ theo các chương trình tập phục hồi của thầy thuốc.

 

Viết bình luận của bạn