Đương quy có tên khoa học: Angelica sinensis; tên tiếng Anh: Angelica, female ginseng hay còn được gọi là tần quy, vân quy hay nhân sâm dành cho phụ nữ.
Đông y cho rằng đương quy chính là đầu vị trong chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, sinh lý và điều trị bệnh phụ nữ. Rễ đương quy có hàm lượng tinh dầu chiếm đến 0,26%, màu vàng sẫm, trong; tỷ lệ axit tự do trong tinh dầu chiếm tới 40%. Đây cũng là thành phần chính quyết định tác dụng của đương quy. Bên cạnh tinh dầu, rễ đương quy còn có các hợp chất khác như courmarin, sacharid, axit amin, sterol… Ngoài ra, cây đương quy còn có chứa nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe chẳng hạn như vitamin B12.
Theo y học cổ truyền, các phần khác nhau của củ đương quy có tác dụng khác nhau. Phần trên cùng (quy đầu) chỉ huyết, phần thân giữa (quy thân) bổ huyết và phần rễ (quy vĩ) thiên về hoạt huyết, ngăn ngừa tình trạng ứ huyết. Các thầy thuốc y học cổ truyền đã sử dụng các bài thuốc có vị đương quy để làm đẹp, nâng cao sức khỏe và điều trị các bệnh về tuần hoàn, hô hấp và sinh sản, chữa đầy hơi và điều trị bệnh viêm khớp cũng như các bệnh về da. Ngoài ra, đương quy còn là thuốc diệt khuẩn nhẹ và có thể chữa đau bụng, co thắt cơ bắp và giảm triệu chứng viêm phế quản.
Lợi ích sức khỏe của đương quy
Đương quy có vị ngọt, hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sâm đương quy có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe như:
- Ức chế sự kết tập tiểu cầu, liên quan đến điều trị huyết khối não và viêm tắc tĩnh mạch huyết khối, tăng cường tuần hoàn não.
- Tăng sức đề kháng do kích thích miễn dịch, hoạt hóa tế bào lympho B và T, làm tăng sinh kháng thể. Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể.
- Hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ít, bế kinh, đau bụng kinh ở phụ nữ.
- Đương quy còn có tác dụng điều trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến khí huyết kém. Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh táo bón.
- Làm đẹp da, tươi nhuận, trẻ hóa làn da dùng trong thẩm mỹ.
Để có thể khai thác lợi ích sức khoẻ của đương quy một cách hiệu quả nên tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này. Đối với đương quy dưới dạng rượu thuốc, chiết xuất hoặc khi dùng cây thuốc tươi khi sử dụng cần pha loãng thuốc với nước khi dùng thuốc đối với một số dạng bào chế, chẳng hạn dưới dạng rượu thuốc, tinh dầu. Không nên lưu trữ đương quy trong hũ nhựa vì sẽ gây tương tác với tinh dầu trong cây.