Liệt dây thần kinh số 7: Hiệu quả với xoa bóp bấm huyệt
Nguyễn Bá Hào
Th 4 07/08/2024
Liệt dây thần kinh số 7 hay còn gọi là liệt mặt, là tình trạng một bên mặt bị yếu hoặc tê liệt do tổn thương dây thần kinh số 7 (dây thần kinh mặt). Điều này gây ra khó khăn trong việc cử động các cơ mặt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Trong y học cổ truyền, xoa bóp và bấm huyệt vùng mặt là một phương pháp điều trị hiệu quả để cải thiện tình trạng này.
1. Mục tiêu của xoa bóp bấm huyệt.
- Cải thiện lưu thông máu: Giúp tăng cường tuần hoàn máu đến khu vực mặt, giúp cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào.
- Kích thích cơ: Giúp kích hoạt và tăng cường hoạt động của các cơ bị yếu.
- Giảm viêm và giảm đau: Giúp giảm viêm và giảm đau ở vùng mặt bị ảnh hưởng.
- Phục hồi chức năng: Giúp cải thiện chức năng của các cơ mặt và tăng cường khả năng vận động.
2. Quy trình thực hiện
- Chuẩn bị: Đảm bảo phòng sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh. Rửa tay sạch trước khi thao tác và thoa một lớp dầu xoa bóp.
- Thực hiện xoa bóp: Thực hiện các kỹ thuật xoa, day và vuốt theo trình tự từ trong ra ngoài má theo hướng đi lên.
- Bấm huyệt: Bấm các huyệt đạo đã nêu theo thứ tự từ trên xuống dưới, đảm bảo mỗi lần bấm từ 1-2 phút và áp lực vừa phải.
- Lặp lại: Lặp lại quy trình ít nhất hai lần trong mỗi buổi trị liệu, mỗi buổi kéo dài khoảng 20-30 phút.
- Theo dõi: Theo dõi phản ứng của bệnh nhân, nếu có dấu hiệu không thoải mái hoặc đau, điều chỉnh áp lực cho phù hợp.
3. Các kỹ thuật xoa bóp.
- Bước 1: Chuẩn bị bệnh nhân
- Bước 2: Chuẩn bị kỹ thuật viên ( Rửa tay sạch sẽ, ngón tay không để móng, ….)
3.1. Xoa
- Cách thực hiện: Dùng lòng bàn tay hoặc các ngón tay xoa nhẹ nhàng lên toàn bộ khuôn mặt từ hàm trên, hai bên má, trán đến cằm. Xoa theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ, mỗi chiều khoảng 1 2 phút.
- Tác dụng: Thông khí huyết, giảm sưng, giảm đau.
3.2. Day
- Cách thực hiện : Dùng đầu ngón tay cái,…. để thực hiện kỹ thuật day. Day các vùng cơ mặt theo hướng lên và xuống với áp lực vừa phải để kích thích các sợi cơ, sau đó day vùng trán dọc theo chiều ngang, vùng má theo đường tròn và vùng cằm theo hình chữ U.
- Tác dụng: Khu phong thanh nhiệt, giảm sưng, giảm đau.
3.3. Miết
- Cách thực hiện: Dùng lực của đầu ngón tay cái hoặc lòng bàn tay để miết nhẹ trên da theo chiều dọc hoặc ngang.
- Tác dụng: Điều hòa kinh mạch, thư giãn cơ, giảm đau.
3.4. Phân, hợp
- Cách thực hiện: Dùng ngón tay cái hay đầu của ba ngón 2, 3, 4 hoặc ô mô út (phần gan thịt ngón út) của hai tay đặt sát nhau, kéo đều ra hai bên gọi là phân, nếu từ 2 bên kéo vào gọi là hợp. Khi làm động tác phân, da người bệnh bị kéo căng ra 2 hướng thì hợp là từ 2 hướng thu về 1 chỗ.
- Tác dụng: Hành khí, tán huyết, hạ nhiệt, giảm đau.
3.5. Vuốt
- Cách thực hiện: Dùng lòng bàn tay hoặc ngón tay vuốt nhẹ từ giữa trán ra thái dương, từ mũi ra hai bên má, từ môi ra hai bên cằm. Vuốt theo chiều từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.
- Tác dụng: Tăng tuần hoàn máu, giúp gia tăng quá trình trao đổi chất tại vùng bề mặt da bị bệnh.
3.6. Bấm huyệt
- Cách thực hiện: Dùng đầu ngón tay cái ấn lên vị trí huyệt. Giữ khoảng 20-30 giây rồi nhả ra.
- Tác dụng: Kích thích trực tiếp vào các huyệt, giúp giảm đau, thư giãn cơ và tăng lưu thông khí huyết.
4. Các huyệt vùng mặt và kỹ thuật bấm huyệt
4.1. Huyệt ấn đường
- Vị trí: Ở giữa hai đầu lông mày.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt ấn đường trong khoảng 1-2 phút.
4.2. Huyệt nghinh hương
- Vị trí: Ở phía hai bên cánh mũi, cách cánh mũi khoảng 0,5 cm.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ hoặc ngón cái ấn nhẹ vào huyệt nghinh hương trong khoảng 1-2 phút.
4.3. Huyệt địa thương
- Vị trí: Ở phía ngang hai bên góc miệng, cách miệng khoảng 1-2 cm.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ hoặc ngón cái ấn nhẹ vào huyệt địa thương trong khoảng 1-2 phút.
4.4. Huyệt tỵ thông
- Vị trí: Ở giữa khóe trong mắt và cạnh mũi.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt tỵ thông trong khoảng 1-2 phút.
4.5. Huyệt toản trúc
- Vị trí: Ở chân lông mày, nơi bắt đầu của lông mày, gần sống mũi.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ hoặc ngón cái ấn nhẹ vào huyệt toản trúc trong khoảng 1-2 phút.
4.6. Huyệt thừa tương
- Vị trí: Ở giữa cằm, phía dưới miệng, chỗ lõm giữa cằm và môi dưới.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt thừa tương trong khoảng 1-2 phút.
4.7. Huyệt giáp xa
- Vị trí: Phía trước góc hàm, ngay bờ dưới xương hàm dưới 1 khoát ngón tay.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt giáp xa trong khoảng 1-2 phút.
4.8. Huyệt quyền liêu
- Vị trí: Dưới xương gò má, giao điểm của đường chân cánh mũi kéo ngang ra và bờ ngoài của mắt kéo thẳng xuống.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt quyền liêu trong khoảng 1-2 phút.
4.9. Huyệt hạ quan
- Vị trí: Nằm ở chỗ lõm phía trước tai, dưới xương gò má.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt giáp xa trong khoảng 1-2 phút.
4.10. Huyệt thính cung
- Vị trí: Khi há miệng huyệt nằm ở chỗ phía trước bình tai, phía sau lồi cầu xương hàm.
- Kỹ thuật bấm: Dùng ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt thính cung trong khoảng 1-2 phút.
5. Lưu ý khi thực hiện
- Luôn lắng nghe phản hồi từ bệnh nhân và điều chỉnh lực bấm huyệt hoặc xoa bóp sao cho phù hợp.
- Kiên trì thực hiện xoa bóp và bấm huyệt đều đặn, thường xuyên để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Kết hợp với các phương pháp điều trị khác như châm cứu, uống thuốc y học cổ truyền hoặc vật lý trị liệu.
- Khuyến khích bệnh nhân thực hiện các bài tập mặt nhẹ nhàng để tăng cường khả năng vận động cơ mặt.
⇒ Xoa bóp và bấm huyệt vùng mặt là một phương pháp hiệu quả trong điều trị liệt dây thần kinh số 7. Bằng cách vận dụng đúng kỹ thuật và áp lực, kết hợp với sự kiên nhẫn và chăm chỉ, bạn có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng liệt mặt và nâng cao chất lượng cuộc sống. Luôn theo dõi và phản hồi từ bệnh nhân để điều chỉnh phương pháp sao cho phù hợp nhất, và kết hợp với các phương pháp điều trị khác để đạt được kết quả tối ưu.
Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Đại Đường
Chuyên điều trị Tai mũi họng, cơ xương khớp, vô sinh hiếm muộn và các bệnh mãn tính
Địa chỉ: 148, ngõ 91, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội