Cỏ nhọ nồi: Vị thuốc quý trong điều trị bệnh.

Nguyễn Bá Hào
Th 6 20/09/2024

Cây cỏ nhọ nồi, hay còn gọi là cỏ mực, là một loại thảo dược được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền (YHCT) với nhiều công dụng đa dạng. Thông qua bài viết dưới đây chúng ta có thể hiểu rõ hơn và sử dụng cỏ nhọ nồi hiệu quả trong điều trị bệnh một số bệnh thường gặp.

1. Nguồn gốc.

- Cây cỏ nhọ nồi tên gọi khác là: Cây cỏ mực, Hạn liên thảo, Mặc hán liên.

- Tên khoa học: Eclipta prostrata.

- Họ: Asteraceae.

- Có nguồn gốc tại châu Mỹ nhưng được phân bố rộng rãi ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới như miền nam châu Âu, châu Phi, châu Á, Australasia và trong đó có Việt Nam.

2. Thu hái.

- Cỏ nhọ nồi thường được thu hái vào mùa hè, khi cây đang phát triển mạnh. Người ta thường thu hái toàn bộ phần trên mặt đất của cây, cắt và phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp để dùng dần.

3. Bộ phận dùng.

- Phần được sử dụng làm thuốc thường là lá và thân đã được làm khô. Đôi khi, người ta cũng sử dụng cả hoa vì chúng cũng chứa nhiều hoạt chất hữu ích.

4. Công dụng.

- Kháng viêm và giảm đau: Cây nhọ nồi thường được sử dụng để giảm viêm và giảm đau cho các trường hợp viêm họng, nhức mỏi cơ, chữa các chứng đau dạ dày và các vấn đề viêm khác.

- Cầm máu: Dùng trị các chứng xuất huyết, thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam, trĩ ra máu, băng huyết.

- Có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, các chứng rối loạn tiêu hóa không rõ nguyên nhân.

- Thanh nhiệt và giải độc: Cây nhọ nồi có tác dụng giải nhiệt, thanh nhiệt cơ thể, thích hợp cho những trường hợp có cảm giác nóng bức trong người, hoặc đã nhiễm độc do môi trường sống và thực phẩm.

- Lợi tiểu: Dùng như một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên, giúp thải độc qua đường nước tiểu.

5. Dược chất.

- Flavonoid: Là một loại chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể giúp chống lại tác động của các gốc tự do trong cơ thể.

- Saponin: Có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch và cũng được cho là có khả năng chống viêm.

- Tannin: Được biết đến với khả năng chống viêm và kháng khuẩn.

- Alkaloid: Một số alkaloid trong cây nhọ nồi có thể có tác dụng giảm đau và thư giãn cơ.

6. Tính vị quy kinh.

- Tính vị: Vị Ngọt, chua tính hàn.

- Quy kinh: Kinh Tỳ, kinh vị

7. Sự phối hợp trong các bài thuốc.

- Trị sốt cao, trúng thử:

  • Thành phần: Cỏ nhọ nồi 50g, Kim ngân hoa 30g.
  • Cách dùng: Hai vị trên rửa sạch, giã vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.

- Chữa rong kinh, rong huyết:

  • Thành phần: Cỏ nhọ nồi 20g, Sinh địa 12g, Hoài sơn 12g, Đương quy 12g, Thỏ ty tử 12g, Bạch thược 12g, Ích mẫu 12g, Hương phụ 10g.
  • Cách dùng: Sắc thuốc trên với 600ml nước còn 200ml uống chia 03 lần trong ngày.

- Trị sốt xuất huyết, sốt phan ban:

  • Thành phần: Cỏ nhọ nồi 12g, Rau sam 12g, Sài đất 12g, Huyền sâm 12g, Mạch môn 12g
  • Cách dùng: Sắc thuốc trên với 600ml nước còn 200ml uống chia 03 lần trong ngày.

- Chữa chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu:

  • Thành phần: Cỏ nhọ nồi 12g, Trắc bách diệp 12g, Huyết dụ 12g.
  • Cách dùng: Sắc thuốc trên với 600ml nước còn 200ml uống chia 03 lần trong ngày.

- Chữa động thai ra máu:

  • Thành phần: Cỏ nhọ nồi 20g, Ngải cứu 16g, Trắc bách diệp 16g, Củ gai 12g, Tía tô 12g.
  • Cách dùng: Sắc thuốc trên với 600ml nước còn 200ml uống chia 03 lần trong ngày.

- Chữa đau dạ dày:

  • Thành phần: Cỏ nhọ nồi 300g.
  • Cách dùng: Rửa sạch say nhuyễn, lọc lấy 300ml nước uống hàng ngày.

- Hỗ trợ điều trị tiểu đường:

  • Thành phần: Cỏ nhọ nồi 20g, Lá sen 20g, Thiên môn 12g, Mạch môn 12g, Hoài sơn 12g, Bạch biển đậu 12g, Ý dĩ 12g, Thiên hoa phấn 12g.
  • Cách dùng: Sắc thuốc trên với 600ml nước còn 200ml uống chia 03 lần trong ngày.

Khi sử dụng cỏ nhọ nồi hoặc bất kỳ thảo dược nào trong YHCT, việc tư vấn với bác sĩ hoặc người có chuyên môn là cực kỳ quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.

Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Đại Đường

Chuyên điều trị Tai mũi họng, cơ xương khớp, vô sinh hiếm muộn và các bệnh mãn tính

Địa chỉ: 148, ngõ 91, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội

Viết bình luận của bạn