Táo bón ở người cao tuổi, nguyên nhân, cách điều trị theo y học cổ truyền.
Nguyễn Bá Hào
Th 2 18/03/2024
Thông thường cơ thể con người sẽ đi đại tiện 01 lần trong ngày hoặc có một số ít trường hợp phải 2-3 ngày mới đi đại tiện nhưng tính chất phân vẫn bình thường, không thấy khó khăn trong quá trình đại tiện và không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống.
Do vậy táo bón ở người cao tuổi là tình trạng đại tiện khó khăn, với số lần ít hơn so với thói quen hàng ngày, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống, các triệu chứng trên thường xuất hiện ở người từ 60 tuổi trở lên.
Phương pháp điều trị táo bón ở người cao tuổi bằng y học cổ truyền ngày càng được quan tâm tìm hiểu và áp dụng rộng dãi do tính an toàn và hiệu quả lâu dài mà nó mang lại.
Và để tìm hiểu rõ nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, cách điều trị theo y học cổ truyền. Các bạn có thể thông qua bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân sinh bệnh táo bón người cao tuổi theo y học cổ truyền.
- Trường vị táo nhiệt: Do ăn nhiều chất cay nóng, uống rượu,..gây tích nhiệt ở trường vị hoặc bệnh nhiệt lâu ngày tổn thương tân dịch.
- Khí trệ: Lo nghĩ, buồn phiền, nằm lâu ít vận động làm khí huyết kém lưu thông gây ứ trệ sinh táo bón.
- Khí huyết hư: Do tổn thương lao lực, sau mắc bệnh, người cao tuổi làm tổn thương tân dịch không tư nhuận đại trường được gây phân khô cứng.
- Dương suy: Bệnh suy nhược nặng, lão suy, chân dương suy giảm hàn tà ngứng kết ở đại trường gây táo bón.
2. Các thể bệnh táo bón theo y học cổ truyền gồm.
a. Thực chứng:
- Nhiệt chứng
- Khí uất
b. Hư chứng:
- Khí hư
- Huyết hư
- Dương hư
3. Cách chữa táo bón theo y học cổ truyền.
a. Thể nhiệt chứng:
- Triệu chứng: Đại tiện phân khô rắn, nước tiểu vàng, tiểu ít, người nóng, mặt đỏ, miệng khô, bứt rứt, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác.
- Phép trị: Thanh nhiệt nhuận trường.
- Bài thuốc: Ma nhân hoàn gia giảm
- Châm tả: Hợp cốc, nội đình, chiếu hải, đại trường du.
b. Thể khí uất:
- Triệu chứng: Hay thở dài ăn kém, ngực sườn đầy tức, đại tiện khó, bụng đầy, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.
- Phép trị: Hành khí, tiêu trệ.
- Bài thuốc: Lục ma thang gia giảm.
- Châm tả: Quan nguyên, khí hải, hợp cốc, túc tam lý, đại trường du.
c. Thể khí hư:
- Triệu chứng: Đại tiện khó, phân không khô, mệt mỏi, sau đại tiện người mệt hơn, ra mồ hôi, hụt hơi, lưỡi bệu, rêu mỏng, mạch nhược.
- Phép trị: Ích khí nhuận trường.
- Bài thuốc: Hoàng kỳ thang gia giảm.
- Châm bổ: Đại trường du, thiên xu, nội đình, chiếu hải.
d. Thể huyết hư:
- Triệu chứng: Đại tiện khó, phân khô cứng, sắc mặt xanh, hoa mắt chóng mặt, môi nhạt, lưỡi nhạt, mạch tế.
- Phép trị: Dưỡng huyết nhuận trường.
- Bài thuốc: Nhuận trường hoàn gia giảm.
- Châm bổ: Quan nguyên, khí hải, huyết hải, đại trường du
e. Thể dương hư:
- Triệu chứng: Đại tiện khó, chân tay lạnh, lưng gối lạnh, bụng đau, chườm nóng đỡ đau, lưỡi bệu, nhợt, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch trầm.
- Phép trị: Ôn thông, nhuận trường.
- Bài thuốc: Ôn tỳ thang gia giảm.
- Cứu ngải: Quan nguyên, khí hải, đại trường du, hợp cốc.
4. Cách phòng chống táo bón ở người cao tuổi.
- Bổ sung đủ lượng nước: Từ 2 – 2,5 lít trên ngày.
- Ăn đủ chất xơ cần thiết, ăn đồ mềm dễ tiêu hóa, ăn nhiều rau xanh hoa quả, không ăn đồ cay nóng,…
- Đi đại tiện khi có nhu cầu, không nhịn đại tiện.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
- Không dùng các chất kích thích như: Rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn.
- Không tự ý dùng thuốc nhuận tràng mà không có chỉ định của bác sĩ.
-Khi có dấu hiệu táo bón, nên đến kiểm tra tại cơ sở y tế uy tín để được tư vấn điều trị hiệu quả nhất.