Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích mà bạn cần biết.

Nguyễn Bá Hào
Th 2 07/10/2024

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa phức tạp, gây ra nhiều khó khăn và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Với các triệu chứng như đau bụng, bất thường về đại tiện (Táo bón hoặc tiêu chảy). IBS không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn cả tinh thần của người mắc phải.

 

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?

- Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, biểu hiện qua các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, bất thường về đại tiện (Tiêu chảy hoặc táo bón). Hiện tượng rối loạn chức năng đường ruột này tuy là lành tính nhưng tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc.

- Với tỷ lệ mắc từ 5-20% dân số, nhưng khi thăm khám hay làm các xét nghiệm thì thường không thấy các tổn thương thực thể.

2. Yếu tố nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.

- Giới tính: Phụ nữ có khả năng mắc IBS cao hơn nam giới. Nghiên cứu cho thấy khoảng hai phần ba số người mắc IBS là phụ nữ. Điều này có thể liên quan đến các yếu tố nội tiết tố và sự thay đổi hormone.

- Độ tuổi: IBS thường được chẩn đoán ở người trẻ, nhiều người bắt đầu nhận thấy các triệu chứng của IBS trong độ tuổi 20 hoặc 30.

- Yếu tố di truyền: Những người có tiền sử gia đình mắc IBS có nguy cơ cao hơn để phát triển tình trạng này. Điều này cho thấy có thể có một yếu tố di truyền liên quan đến IBS.

- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: Có mối liên hệ giữa IBS và một số rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và hội chứng căng thẳng sau sang chấn. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của IBS hoặc ngược lại.

- Các sự kiện cuộc sống căng thẳng: Những người trải qua một lượng lớn stress, dù là do công việc, gia đình, hoặc các sự kiện cuộc sống khác, có thể thấy rằng các triệu chứng của họ trở nên tồi tệ hơn.

- Những người có các rối loạn tiêu hóa khác: Những người mắc các bệnh lý tiêu hóa khác như bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh viêm ruột có thể có nguy cơ cao mắc IBS.

3. Những nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích.

Nguyên nhân chính xác của IBS vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng nó được cho là liên quan đến sự tăng nhạy cảm của ruột và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

- Rối loạn chức năng cơ ruột: Sự co thắt không bình thường của cơ ruột có thể dẫn đến các triệu chứng của IBS. Các cơn co thắt mạnh có thể gây ra tiêu chảy, trong khi co thắt yếu hoặc chậm có thể gây táo bón.

- Rối loạn trong việc giao tiếp giữa não và đường tiêu hóa: Được gọi là trục não-ruột, sự giao tiếp này có thể bị rối loạn, dẫn đến cơ thể phản ứng quá mức với các quá trình bình thường trong tiêu hóa, gây ra các triệu chứng của IBS.

- Yếu tố tâm lý: Stress và các vấn đề về tâm lý khác có thể ảnh hưởng đến chức năng của ruột và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của IBS.

- Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Một số trường hợp IBS bắt đầu sau một cơn nhiễm trùng đường tiêu hóa, có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

- Thay đổi vi khuẩn đường ruột: Sự mất cân bằng trong vi khuẩn đường ruột có thể góp phần vào phát triển IBS.

- Thực phẩm nhạy cảm: Một số người có thể nhạy cảm với những thực phẩm nhất định, dẫn đến phát sinh các triệu chứng của IBS khi tiêu thụ các thực phẩm đó.

4. Dấu hiệu nhận biết bạn mắc phải hội chứng ruột kích thích.

- Nếu bạn thuộc một trong các nhóm nguy cơ cao và có các triệu chứng liên quan đến sự thay đổi bất thường về đại tiện như:

  • Đau bụng hoặc khó chịu có cải thiện sau khi đi đại tiện.
  • Thay đổi thói quen đại tiện.
  • Đầy hơi và chướng bụng.
  • Cảm giác đại tiện không trọn vẹn.
  • Mệt mỏi và khó chịu mỗi lần đại tiện.

=> Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được đánh giá và hỗ trợ kịp thời.

5. Triệu chứng lâm sàng điển hình của hội chứng ruột kích thích.

- Đau bụng hoặc khó chịu: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường được miêu tả là cảm giác co thắt, đau âm ỉ hoặc cảm giác bụng bị căng tức. Cơn đau thường giảm bớt sau khi đi đại tiện.

- Rối loạn đại tiện: Bao gồm táo bón, tiêu chảy, hoặc cả hai. Điều này có thể kèm theo cảm giác đại tiện không trọn vẹn hoặc cấp bách.

- Đầy hơi và trướng bụng: Người bệnh có thể cảm thấy bụng của họ phình to và có thể thấy rõ sự thay đổi về kích thước bụng.

- Khí đầy ruột: Có thể có sự gia tăng khí thải qua đường hậu môn.

- Mệt mỏi và khó chịu: Nhiều người bệnh cũng báo cáo cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng, có thể do sự ảnh hưởng của bệnh lên chất lượng cuộc sống.

- Các triệu chứng khác: Có thể bao gồm cảm giác buồn nôn, chuột rút, rối loạn giấc ngủ, lo lắng và trầm cảm, đặc biệt khi phải đối mặt với các tình huống xã hội liên quan đến ăn uống hoặc sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

6. Các thể bệnh của hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích được phân loại thành bốn thể dựa trên các triệu chứng đại tiện thường gặp:

- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón chiếm ưu thế ( IBS-C).

  • Người bệnh thường xuyên bị táo bón.
  • Phân cứng và khô, khó khăn trong việc đại tiện.

- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy chiếm ưu thế (IBS-D).

  • Người bệnh thường xuyên bị tiêu chảy.
  • Phân lỏng và phải đi đại tiện nhiều lần trong ngày.

- Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (IBS-M).

  • Người bệnh có cả hai triệu chứng táo bón và tiêu chảy, thay phiên nhau.

- Hội chứng ruột kích thích thể không xác định (IBS-U).

  • Không thể xếp vào loại nào trong các nhóm trên.

Để quản lý hội chứng ruột kích thích hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để nhận được chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp. Bao gồm điều chỉnh chế độ ăn, sử dụng thuốc và các phương pháp quản lý bệnh. Việc điều trị và quản lý kịp thời có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Đại Đường

Chuyên điều trị Tai mũi họng, cơ xương khớp, vô sinh hiếm muộn và các bệnh mãn tính

Địa chỉ: 148, ngõ 91, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội

 

Viết bình luận của bạn