Cách nhận biết và điều trị hiệu quả chứng cảm mạo phong hàn.

Nguyễn Bá Hào
Th 4 09/10/2024

Cảm mạo phong hàn, một trong những bệnh lý phổ biến mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của nhiều người. Hãy cùng tìm hiểu những phương pháp chữa trị cảm mạo phong hàn bằng kinh nghiệm dân gian, không chỉ giúp làm dịu các triệu chứng mà còn phục hồi sức khỏe một cách tự nhiên và an toàn.

1. Cảm mạo phong hàn là gì?

- Phong, hàn là hai trong sáu thứ khí gây bệnh ngoại cảm theo y học cổ truyền: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả.

  • Phong là gió, chủ khí về mùa xuân.
  • Hàn là lạnh, chủ khí về mùa đông.

- Khi thời tiết bốn mùa ôn hoà đúng quy luật, mùa xuân ấm, mùa hè nóng, mùa thu mát, mùa đông lạnh cơ thể sẽ khoẻ mạnh.

- Theo y học cổ truyền, cảm mạo phong hàn là một trong những chứng bệnh thường gặp trong mùa đông xuân khi tiết trời thay đổi đột ngột cùng với chính khí của cơ thể suy yếu, tấu lý sơ hở làm cho tà khí phong hàn thừa cơ xâm phạm và lưu trú ở bì phu mà sinh ra các chứng như: Sợ lạnh, sợ gió, có thể có sốt, sốt nhẹ, đau đầu, ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, cơ thể nhức mỏi.

2. Cách nhận biết bạn bị cảm mạo phong hàn?

- Ớn lạnh và rét run: Cảm giác lạnh không giải thích được, run rẩy, sợ gió, sợ lạnh kèm theo gai rét là một trong những dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất của cảm lạnh phong hàn.

- Đau nhức cơ thể: Cảm giác đau nhức, mệt mỏi ở các cơ, đặc biệt là ở lưng, vai và cổ gáy, thường xuyên xuất hiện khi bị cảm lạnh phong hàn.

- Đau đầu: Đau đầu là triệu chứng thường gặp, đặc biệt là đau ở vùng trán, vùng gáy chẩm hoặc đau nhức toàn bộ đầu.

- Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi: Tình trạng tắc nghẽn, khó thở do mũi bị tắc hoặc chảy nước mũi không rõ nguyên nhân cũng là một dấu hiệu của cảm lạnh phong hàn.

- Hắt hơi: Hắt hơi liên tục và không kiểm soát được cũng là một triệu chứng phổ biến.

- Cổ họng đau rát: Cảm giác khô rát, đau rát ở cổ họng, đôi khi kèm theo ho khan.

3. Nguyên nhân khiến bạn mắc cảm mạo phong hàn là gì?

Cảm lạnh phong hàn là một thuật ngữ trong y học cổ truyền, mô tả tình trạng cảm lạnh do nhiễm phong hàn, tức là gió lạnh xâm nhập vào cơ thể. Nguyên nhân chính của cảm lạnh phong hàn bao gồm:

- Tiếp xúc với thời tiết lạnh giá: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh, đặc biệt là khi cơ thể không được giữ ấm đúng cách.

- Sức đề kháng kém: Khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu, khả năng chống lại sự xâm nhập của gió lạnh giảm sút, dẫn đến nguy cơ mắc cảm lạnh phong hàn cao hơn.

- Độ ẩm thấp: Thời tiết khô lạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vì không khí khô làm giảm khả năng của màng nhầy trong cơ thể để chống lại vi khuẩn và virus.

- Thay đổi thời tiết đột ngột: Sự thay đổi nhanh chóng từ thời tiết ấm áp sang lạnh giá có thể làm cơ thể khó thích nghi kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho phong hàn xâm nhập.

4. Làm thế nào để điều trị cảm mạo phong hàn?

4.1. Xông hơi thảo dược.

- Chuẩn bị dụng cụ: Nồi đun nước xông, ghế ngồi xông, chăn phủ, khăn lau khô.

- Thành phần lá thuốc:

  • Lá chứa tinh dầu: Lá bưởi, Tía tô, Bạc hà, Củ sả, Gừng củ.
  • Lá tác dụng hạ sốt: Lá tre.
  • Lá có tác dụng kháng khuẩn nâng miễn dịch: Ngải cứu, Hương nhu, Cúc tần.

- Cách làm:

  • B1: Lấy các loại lá xông trên mỗi thứ 01 nắm rửa sạch, gừng 2-3 lát. Các loại chứa ít hoặc không chứa tinh dầu cho vào trước, đổ nước vừa ngập các loại thảo dược trên, đậy kín nắp vung.
  • B2: Đun lửa to đến khi nước sôi, bỏ tiếp các lá chứa tinh dầu vào, tắt bếp. Đưa nồi nước xông đến nơi an toàn, kê chắc chắn.
  • B3: Bệnh nhân chùm kín chăn, ngồi xông từ 15-20 phút. Có thể dùng luôn nước lá xông khi còn ấm để tắm lại.
  • B4: Xông xong lấy khăn khô đã chuẩn bị lau khô người rồi mới mặc áo, tuyệt đối không được tắm nước lạnh ngay. Tiếp đó để bệnh nhân ăn một bát cháo nóng.

- Lưu ý khi xông hơi thảo dược:

  • Người già, người gầy yếu, thể trạng suy nhược, trẻ nhỏ: Không được xông lâu, không để ra quá nhiều mồ hôi, phải có người bên cạnh đỡ và kiểm soát nồi xông tránh bị bỏng.
  • Không nên xông quá 3 lần/ tuần: Nếu xông lần 1 mà chưa hết các triệu chứng cảm, thì sau đó cách 01 ngày mới nên xông tiếp lần thứ 2.

4.2. Cháo giải cảm.

- Thành phần: Thông thường cháo nấu không quá đặc từ gạo trắng, thêm các loại hành lá, tía tô, thịt băm, gia vị…

- Cách dùng: Ăn lúc còn nóng, ăn xong cho bệnh nhân đắp chăn để ra mồ hôi, rồi lau khô mồ hôi tránh nhiễm lạnh ngược dòng.

4.3. Xoa bóp – bấm huyệt.

- Cách làm: Xoa bóp – bấm huyệt vùng cơ thể bị nhức mỏi, giúp giải tỏa sự căng cứng một số nhóm cơ giảm đau đầu, ngạt mũi hay gặp phải trong chứng cảm mạo phong hàn.

- Thời gian: Xoa bóp – bấm huyệt 30-45 phút/lần, ngày có thể làm 02 lần sáng – chiều.

4.4. Châm cứu.

- Công thức huyệt: Bách hội, Tứ thần thông, Suất cốc, Nghinh hương, Phong trì, Đại trùy, Kiên tỉnh, Phong môn, Hợp cốc, Thái uyên, Túc tam lý.

- Ôn châm: Các huyệt trên 30 phút/lần/ngày.

4.5. Thuốc uống.

- Bài 1: Quế chi thang.

  • Thành phần: Quế chi 8g, Bạch thược 12g, Cam thảo 6g, Đại táo 4 quả, Sinh khương 6g.
  • Chủ trị: Sợ lạnh, sợ gió, sốt nhẹ, tự ra mồ hôi, đau mỏi cơ, nôn khan.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 01 thang, chia uống 03 lần/ ngày.

- Bài 2: Ma hoàng thang.

  • Thành phần: Ma hoàng 8g, Hạnh nhân 8g, Quế chi 6g, Cam thảo 6g.
  • Chủ trị: Sợ lạnh, sợ gió, phát sốt, đau đầu, không có mồ hôi, đau mỏi cơ, thở khó.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 01 thang, chia uống 03 lần/ ngày.

- Bài 3: Hương tô tán.

  • Thành phần: Hương phụ 10g, Tô tử 10g, Trần bì 6g, Cam thảo 4g.
  • Chủ trị: Sợ lạnh, sợ gió, sốt, ngực bụng đầy chướng, ợ hơi, không muốn ăn.
  • Cách dùng: Các vị thuốc trên tán bột mịn. Dùng 5g/lần X 03 lần/ ngày, pha uống với nước ấm thêm 2 lát gừng tươi.

- Bài 4: Kinh phong bại độc tán.

  • Thành phần: Sài hồ 10g, Tiền hồ 10g, Chỉ xác 10g, Xuyên khung 10g, Khương hoạt 10g, Độc hoạt 10g, Phục linh 10g, Cát cánh 10g, Kinh giới 10g, Phòng phong 10g, Cam thảo 6g.
  • Chủ trị: Sợ lạnh, sợ gió, sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ gáy, đau mỏi cơ khớp.
  • Cách dùng: Các vị thuốc trên tán bột mịn. Dùng 5g/lần X 03 lần/ ngày, pha uống với nước ấm hoặc sắc uống ngày 01 thang, chia uống 03 lần/ ngày.

5. Cảm mạo phong hàn có gây ra biến chứng nguy hiểm không?

Mặc dù cảm lạnh phong hàn thường không quá nghiêm trọng và có thể được điều trị tại nhà, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, nó có thể dẫn đến một số biến chứng:

- Viêm phổi: Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.

- Viêm tai giữa: Cảm lạnh phong hàn có thể dẫn đến viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc virus từ mũi và họng lan sang tai.

- Viêm họng và viêm amidan: Các triệu chứng như đau họng có thể trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến viêm họng hoặc viêm amidan.

- Mãn tính hóa: Nếu cảm lạnh phong hàn xảy ra thường xuyên mà không được điều trị hiệu quả, nó có thể dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp mãn tính như viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn.

6. Chế độ ăn uống sinh hoạt cho người mắc cảm mạo phong hàn?

6.1. Chế độ ăn uống.