Bệnh tiểu đường: Chẩn đoán và các phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay.
Nguyễn Bá Hào
Th 6 10/05/2024
Bệnh tiểu đường đang trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu, với sự gia tăng về tần suất mắc bệnh trong những thập kỷ gần đây. Là một bệnh trong nhóm những bệnh về rối loạn chuyển hóa, nơi cơ thể không thể đều chỉnh mức đường huyết (glucose) trong máu một cách hiệu quả. Glucose rất quan trọng vì nó là nguồn năng lượng chính cho tế bào tạo nên cơ bắp và các mô khác cũng như là nguồn năng lượng chính cho não. Chính vì vậy mà các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường đang ngày càng được quan tâm, thông qua bài viết sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh tiểu đường và các phương pháp điều trị có hiệu quả hiện nay.
1. Dấu hiệu nhận biết bạn có thể mắc bệnh tiểu đường.
- Thấy có một trong những triệu chứng kinh điển cảnh báo sau:
- Ăn nhiều mau đói.
- Uống nhiều mau khát.
- Gầy sút cân nhanh chóng trong thời gian ngắn.
- Tiều nhiều lần, số lượng nước tiểu nhiều trong ngày.
- Ngoài ra còn có một số triệu chứng kèm theo như: Đau đầu, hoa mắt, mắt nhìn mờ, mệt mỏi, yếu cơ, khả năng tập trung kém.
2. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Theo hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường dựa vào 1 trong 4 yếu tố sau:
- Đường huyết lúc đói ( Fasting plasma glucose ):
- Tiểu đường: FPG ≥ 126 mg/dL (7.0 mmol/L).
- Kiểm tra phải được thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn, không uống đồ ngọt tối thiểu 8 giờ, tốt nhất kiểm tra sau ăn từ 8-14 giờ ( Có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội )
- Đường huyết dịp ngẫu nhiên (PG - Random Plasma Glucose):
- Tiểu đường: PG ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L)
- Kèm theo triệu chứng kinh điển của bệnh tiểu đường như: Khát nước quá mức, đi tiểu nhiều, gầy sút cân, ăn nhiều mau đói.
- Hemoglobin A1c (HbA1c hoặc A1c):
- Tiểu đường: HbA1c ≥ 6.5%.
- Xét nghiệm phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, không phải bằng máy kiểm tra nhanh HbA1c.
- Bài kiểm tra dung nạp glucose qua đường uống (OGTT - Oral Glucose Tolerance Test):
- Tiểu đường: Đường huyết sau 2 giờ ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L) sau khi uống 75 gam glucose.
⇒ Các giá trị này không chỉ dùng để chẩn đoán tiểu đường mà còn để xác định các tình trạng như "Suy giảm dung nạp glucose" và "Suy giảm đường huyết lúc đói," đây là những tình trạng “tiền tiểu đường” và có nguy cơ cao phát triển thành tiểu đường typ 2.
⇒ Lưu ý: Kết quả xét nghiệm cận ngưỡng cho tiểu đường phải được xác nhận bằng cách lặp lại xét nghiệm vào ngày khác, trừ khi có triệu chứng rõ ràng của bệnh tiểu đường. Nếu hai loại xét nghiệm khác nhau (ví dụ: FPG và HbA1c) đều cho kết quả cao trong cùng một ngày, điều này cũng có thể xác nhận chẩn đoán.
3. Phân loại bệnh tiểu đường.
- Có 03 loại tiểu đường chính được phân thành như sau:
- Tiểu đường typ 1.
- Tiểu đường typ 2.
- Tiểu đường thai kỳ.
4. Yếu tố nguy cơ dễ bị mắc bệnh tiểu đường.
- Béo phì, thừa cân: Là một trong những nguyên nhân hàng đầu dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Tuổi tác: Tỉ lệ mắc tiểu đường typ 2 phổ biến hơn ở người cao tuổi.
- Lối sống ít vận động: Cuộc sống hiện đại thường liên quan đến việc ngồi nhiều, ít hoạt động thể chất điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá trong đó có bệnh tiểu đường.
- Chế độ ăn uống: Thức ăn nhanh,thức ăn có hàm lượng đường và chất béo cao cũng góp phần làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.
- Di truyền: Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 tăng lên nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh này.
- Yếu tố khác như: Căng thẳng, mắc các bệnh lý viêm mãn tính, một số bệnh rối loạn chuyển hoá, trong thời gian mang thai không kiểm soát được lượng đồ ăn đưa vào cơ thể.
5. Các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hiện nay.
Bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường typ 2 có thể được quản lý và điều trị thông qua một số phương pháp khác nhau dưới đây.
- Giữ lối sống lành mạnh: Đây là nền tảng của mọi kế hoạch điều trị cho bệnh tiểu đường. Một chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ, ít chất béo và đường, cùng với việc tăng cường hoạt động thể chất, có thể giúp kiểm soát mức đường huyết.
- Theo dõi đường huyết: Theo dõi chặt chẽ mức đường huyết để đảm bảo rằng chúng ở trong khoảng mục tiêu do bác sĩ đề ra điều này có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn biến chứng của bệnh tiểu đường.
- Thuốc hạ đường huyết: Có nhiều loại thuốc hạ đường huyết dành cho bệnh tiểu đường typ 2 bao gồm metformin, sulfonylureas, thiazolidinediones, DPP-4 inhibitors, GLP-1 receptor agonists, SGLT2 inhibitors, và insulin. Mỗi loại thuốc hoạt động theo cách khác nhau để giảm đường huyết.
- Tiêm insulin: Đối với bệnh tiểu đường typ 1 và một số trường hợp tiểu đường typ 2, việc tiêm insulin là cần thiết để duy trì sự cân bằng glucose đúng cách.
- Quản lý cân nặng: Việc giảm cân thông qua chế độ ăn kiêng và hoạt động thể chất có thể cải thiện khả năng cơ thể sử dụng insulin và giúp kiểm soát đường huyết.
- Giáo dục về bệnh tiểu đường: Hiểu biết về bệnh tiểu đường và cách quản lý nó là quan trọng để sống chung lâu dài với tình trạng này.
- Quản lý yếu tố nguy cơ: Kiểm soát huyết áp, lipid máu, không hút thuốc, không lạm dụng rượu bia và có lối sống lành mạnh là quan trọng để ngăn chặn biến chứng của bệnh tiểu đường.
6. Cách phòng tránh bệnh tiểu đường hiệu quả.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Sử dụng nguồn thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo, đặc biệt là chất béo không bão hòa, cắt giảm lượng đường và carbohydrate tinh chế trong chế độ ăn hàng ngày, chọn ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, và đạm ít chất béo.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất giúp cải thiện sức đề kháng insulin và giảm đường huyết. Hãy cố gắng tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với hoạt động vừa phải như đi bộ nhanh, đạp xe, hoặc bơi lội.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân và béo phì là các yếu tố nguy cơ lớn cho bệnh tiểu đường. Giảm cân nếu bạn thừa cân và tiếp tục duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Tránh thức ăn và đồ uống có đường: Điều này bao gồm nước ngọt, nước ngọt có gas, nước trái cây đóng gói, đồ ngọt,…
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và biến chứng từ bệnh.
- Không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn vì chúng có thể gây ra sự tăng hoặc giảm đường huyết đột ngột.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Các xét nghiệm định kỳ có thể phát hiện ra sự bắt đầu của bệnh tiểu đường, khi đó việc điều trị sớm có thể giúp đem lại hiệu quả cao và ngăn ngừa được biến chứng.
- Tránh yếu tố tâm lý căng thẳng: Tránh thức khuya, làm việc với áp lực tâm lý nặng nề, căng thẳng,... có thể là nguy cơ làm tăng đường huyết, tập các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga, hoặc hít thở sâu.
► Cần lưu ý rằng việc điều trị bệnh tiểu đường thường yêu cầu sự theo dõi y tế chặt chẽ và có thể cần phải thay đổi trong quá trình quản lý bệnh, bởi vì mỗi người có phản ứng khác nhau với các loại thuốc và phương pháp điều trị. Vì vậy, sự hợp tác giữa bệnh nhân và các bác sĩ là rất quan trọng trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh.