Bệnh lý cơ xương khớp hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới đang ngày càng phổ biến do nhiều yếu tố như lối sống không lành mạnh, tuổi tác, chấn thương hay di truyền. Với các bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, loãng xương, bong gân, tổn thương cơ dây chằng,… và các rối loạn khớp khác có thể gây đau đớn, giảm sự linh hoạt và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết sau sẽ giúp chúng ta biết được một số phương pháp điều trị không dùng thuốc trong y học cổ truyền được áp dụng để giảm đau và cải thiện tình trạng của bệnh nhân khi mắc các bệnh lý cơ xương khớp.
1. CHÂM CỨU.
Là một phương pháp điều trị thuộc y học cổ truyền, sử dụng việc đưa kim vào các điểm cụ thể trên cơ thể gọi là các huyệt đạo để thúc đẩy lưu thông khí huyết và điều chỉnh các chức năng cơ bản của cơ thể nhằm giảm stress, giảm các cơn đau nhức do các bệnh lý cơ xương khớp gây ra.
1.1. Chỉ định của châm cứu gồm: - Điều trị đau: Đau lưng, đau cổ, đau vai, đau khớp.
- Rối loạn chức năng cơ - xương - khớp: Viêm khớp, thoái hóa khớp.
- Các vấn đề về tiêu hóa: Hội chứng ruột kích thích, táo bón.
- Các vấn đề về hô hấp: Hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
- Các vấn đề liên quan đến tinh thần: Stress, trầm cảm, lo âu.
- Các cơn đau mãn tính không giải thích được bằng y học hiện đại.
1.2. Chống chỉ định của châm cứu gồm: - Người có dễ bị chảy máu hoặc có rối loạn đông máu.
- Người đang mang thai ở một số trường hợp có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
- Bệnh nhân có bệnh nhiễm trùng da hoặc mắc bệnh lý da ở vùng cần châm kim.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu.
- Cẩn trọng với người bệnh có vấn đề về tâm thần hoặc đang sử dụng thuốc tác động đến tâm thần.
- Trẻ em cần được đánh giá cẩn thận trước khi áp dụng châm cứu.
|
|
2. CỨU NGẢI.
Là phương pháp sử dụng nhiệt từ đốt các cây làm từ lá ngải cứu để kích thích các huyệt đạo trên cơ thể. Cứu ngải dựa trên cùng một nguyên lý như châm cứu, tức là cân bằng năng lượng của cơ thể và kích thích lưu thông khí huyết, làm ấm cơ thể, giảm lạnh, ẩm, giảm đau, giải cơ, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau lưng, hội chứng mệt mỏi mãn tính.
2.1. Chỉ định của phương pháp cứu ngải: - Các vấn đề liên quan đến phong hàn tà lạnh lẽo do thiếu nhiệt.
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
- Đau nhức cơ xương do thay đổi thời tiết, độ ẩm cao.
- Các tình trạng khác mà châm cứu chỉ định nhưng người bệnh sợ kim châm hoặc không thích hợp sử dụng kim châm.
2.2. Chống chỉ định của phương pháp cứu ngải: - Người có cơ địa nóng, bị sốt hoặc có các triệu chứng cấp tính.
- Khu vực da có vết thương hở, nhiễm trùng hoặc viêm da.
- Phụ nữ có thai không nên cứu ở một số vị trí có thể gây kích thích co thắt tử cung.
- Bệnh nhân có các bệnh lý về da như viêm da, bỏng.
- Người có rối loạn cảm giác nhiệt hoặc không phản ứng với nhiệt độ một cách bình thường.
|
|
3. XOA BÓP BẤM HUYỆT.
Là phương pháp điều trị thực hiện bằng cách sử dụng các công cụ bằng tay tạo áp lực lên các vị trí huyệt đạo trên cơ thể. Đây không chỉ là liệu pháp giảm đau mà còn tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể như cải thiện tuần hoàn máu và lưu thông năng lượng khí trong cơ thể, giảm căng thẳng và mệt mỏi, thúc đẩy sự thư giãn, làm giảm đau nhức và teo cơ, hỗ trợ điều trị các rối loạn về cơ - xương - khớp, có lợi cho hệ tiêu hóa và thần kinh, tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch.
3.1. Chỉ định của xoa bóp bấm huyệt: - Điều trị các vấn đề đau nhức như đau lưng, đau cổ, đau đầu.
- Các tình trạng căng thẳng và mệt mỏi do lao động hoặc ôn tập căng thẳng.
- Tăng cường phục hồi chức năng sau chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Cải thiện các rối loạn về cơ xương khớp, hỗ trợ trong điều trị viêm khớp.
- Các vấn đề khác liên quan đến rối loạn tiêu hóa, hô hấp.
3.2. Chống chỉ định của xoa bóp bấm huyệt: - Vùng da bị tổn thương, viêm nhiễm, vết thương hở hoặc có các bệnh ngoại khoa như viêm da, nhiễm trùng da.
- Các tình trạng cấp tính yêu cầu can thiệp y khoa khẩn cấp, như gãy xương hoặc chấn thương nghiêm trọng.
- Người bị rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông không nên sử dụng liệu pháp này, vì có nguy cơ gây bầm tím và chảy máu.
- Phụ nữ có thai cần tránh xoa bóp các huyệt đạo liên quan đến tử cung hoặc bụng dưới.
- Bệnh nhân có các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch cần thận trọng và thảo luận với bác sĩ trước.
|
|
4. KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH.
Là một phương pháp thiền định và tập luyện nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và tăng cường khí lực của cơ thể thông qua việc điều chỉnh nhịp thở, tư duy và chuyển động cơ thể. Phương pháp này đã được áp dụng trong điều trị bệnh cũng như phục hồi sức khỏe về nhiều mặt như giúp giảm stress, cải thiện lưu thông máu, tăng cường chức năng của các cơ quan nội tạng và tăng cường hệ miễn dịch. Các bài tập nhẹ nhàng của khí công cũng có thể hỗ trợ giảm đau và cải thiện sự linh hoạt của cơ thể.
4.1. Chỉ định của khí công dưỡng sinh: - Cải thiện sức khỏe tinh thần: Giúp giảm stress, lo âu, cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần.
- Tăng cường sức khỏe thể chất: Cải thiện sự linh hoạt của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường hệ hô hấp và hệ tuần hoàn.
- Hỗ trợ điều trị: Làm giảm một số triệu chứng của các bệnh mãn tính như huyết áp cao, đau lưng, viêm khớp và một số rối loạn về tiêu hóa.
- Phục hồi chức năng: Hỗ trợ phục hồi chức năng sau chấn thương hoặc phẫu thuật.
4.2. Chống chỉ định của khí công dưỡng sinh: - Trong giai đoạn cấp tính của bệnh: Khi cơ thể cần được nghỉ ngơi hoàn toàn.
- Khi có các bệnh lý: Huyết áp vô cùng cao không ổn định, hoặc sau cơn đau tim cần tránh tập luyện nặng.
- Khi bị tổn thương: Nếu có chấn thương cấp tính hay nặng, nên tránh tập khí công để không làm tình hình tổn thương nghiêm trọng hơn.
|
|