Ổn định đường huyết bằng các bài thuốc cổ phương
Nguyễn Bá Hào
Th 7 11/05/2024
Việc chữa trị các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như tăng đường huyết bằng sự kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền có thể mở ra những cơ hội mới cho việc cải thiện quản lý bệnh, giảm các biến chứng và tăng cường chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Bài viết sau sẽ giúp chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh tiểu đường dưới góc nhìn của y học cổ truyền để các bạn có được những lựa chọn tốt nhất trong quá trình điều trị bệnh.
1. Kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền có thể nâng cao hiệu quả điều trị bằng cách.
- Tận dụng lợi thế của cả hai hệ thống:
- Y học hiện đại cung cấp các công cụ chẩn đoán và điều trị tiên tiến: Quản lý glucose máu thông qua thuốc hạ đường huyết và/hoặc insulin, giám sát và quản lý các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh
- Y học cổ truyền mang lại sự hiểu biết về cách cơ thể hoạt động một cách toàn diện và cân bằng: Sử dụng các phương pháp tự nhiên như thảo dược, châm cứu, bấm huyệt để cân bằng năng lượng trong cơ thể và cải thiện chức năng của tạng phủ giúp điều hoà chức năng chuyển hoá của cơ thể.
- Giúp kiểm soát các triệu chứng và nguy cơ phát triển biến chứng tiểu đường.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thông qua cách tiếp cận cá nhân hóa hơn.
2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền.
Theo y học cổ truyền bệnh tiểu đường thuộc chứng tiêu khát.
- Nội nhân:
- Do thất tình gây ra bởi suy nghĩ, căng thẳng thái quá, uất ức lâu ngày, tâm phiền quá độ mà uất lại hóa hỏa. Hỏa thiêu đốt phế vị, thận là cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư dẫn đến tân dịch suy giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát túc giáng, thông điều thủy đạo gây ra tình trạng không đưa được nước, tinh hoa đồ ăn thức uống đi nuôi cơ thể mà dồn xuống bàng quang gây ra chứng khát nước, tiểu nhiều, gầy sút cân, nước tiểu có vị ngọt.
- Bất nội ngoại nhân:
- Do bẩm tố tiên thiên bất túc, ngũ tạng hư yếu, tinh khí của các tạng đưa đến thận giảm sút dẫn đến tinh khuy dịch kiệt mà gây ra chứng miệng khát, ăn nhiều mau đói, gầy sút cân.
- Ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, uống nhiều rượu, ăn đồ cay nóng lâu ngày làm tích nhiệt ở trường vị, nhiệt tích lâu dần thiêu đốt tân dịch mà gây chứng tiêu khát.
- Phòng lao quá độ làm thận tinh hao tổn, hư hỏa nội sinh thiêu đốt tân dịch sinh chứng tiêu khát.
- Dùng thuốc ôn táo như các phương thuốc tráng dương lâu dài sinh táo nhiệt làm tổn thương tân dịch mà gây ra bệnh.
3. Phân loại theo y học cổ truyền.
- Theo y học cổ truyền chứng tiêu khát được chia thành 5 thể bệnh sau:
- Thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn.
- Thể vị âm hư, vị hỏa vượng.
- Thể khí âm lưỡng hư.
- Thể thận âm hư.
- Thể thận dương hư.
4. Điều trị theo y học cổ truyền.
4.1. Thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn.
- Triệu chứng: Miệng khô, họng táo, ăn nhiều, mau đói, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng khô, mạch trầm huyền.
- Pháp chữa: Dưỡng âm sinh tân.
- Bài thuốc: Tăng dịch thang gia giảm
Huyền sâm Mạch môn Sinh địa Ngọc trúc | Chỉ thực Cát căn Nhân trần | Thiên hoa phấn Thạch hộc Trạch tả |
- Sắc uống ngày 01 thang, chia 03 lần.
- Điều trị không dùng thuốc:
- Châm bổ các huyệt: Thận du, Cách du, Thái khê, Phục lưu, Thủy tuyền, Tam âm giao, Lệ đoài.
4.2. Thể vị âm hư, vị hỏa vượng.
- Triệu chứng: Khát nước, uống nhiều, ăn nhiều, mau đói, mệt mỏi, nóng trong, tiểu nhiều, nước tiểu vàng đục, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch sác.
- Pháp chữa: Tư âm thanh nhiệt.
- Bài thuốc: Tăng dịch thang phối hợp với bạch hổ thang gia giảm
Huyền sâm Mạch môn Sinh địa | Thạch cao Tri mẫu Thiên hoa phấn | Hoàng liên Chi tử Mang tiêu |
- Sắc uống ngày 01 thang, chia 03 lần.
- Điều trị không dùng thuốc:
- Châm bổ các huyệt: Thận du, Tỳ du, Vị du, Thái khê, Phục lưu, Tam âm giao. Châm tả các huyệt Thái xung, Túc tam lý, Phong long, Giải khê.
4.3. Thể khí âm lưỡng hư.
- Triệu chứng: Miệng khô, họng táo, mệt mỏi, đoản khí, Lưng gối mỏi yếu, hồi hộp trống ngực, đau ngực, tự hãn, đạo hãn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, chân tay tê bì, giảm thị lực, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm vi.
- Pháp chữa: Ích khí dưỡng âm.
- Bài thuốc: Sinh mạch tán hợp với tăng dịch thang gia giảm.
Huyền sâm Mạch môn Sinh địa Nhân sâm Ngũ vị tử Ngưu tất | Cát căn Hoài sơn Sơn thù Mộc qua Kỷ tử Cúc hoa | Thạch hộc Ngọc trúc Đương quy Đan sâm Trạch tả Xa tiền |
- Sắc uống ngày 01 thang, chia 03 lần.
- Điều trị không dùng thuốc:
- Châm bổ các huyệt: Thận du, tỳ du, vị du, túc tam lý, tam âm giao.
4.4. Thể thận âm hư.
- Triệu chứng: Miệng khát, mệt mỏi, lưng gối đau mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, ngủ ít hay mê, đại tiện táo, nước tiểu vàng sẫm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch trầm tế sác.
- Pháp chữa: Tư bổ thận âm.
- Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm.
Thục địa Sơn thù Hoài sơn Phục linh Trạch tả | Đan bì Tri mẫu Hoàng bá Cẩu tích Thiên ma | Câu đằng Thiên hoa phấn Thạch hộc Kỷ tử Cúc hoa |
- Sắc uống ngày 01 thang, chia 03 lần.
- Điều trị không dùng thuốc:
- Châm bổ các huyệt: Thận du, thái khê, tam âm giao.
4.5. Thể thận dương hư.
- Triệu chứng: Miệng khát, không muốn uống nước, mệt mỏi, đoản khí, sợ lạnh, chân tay lạnh, tự hãn, phù thũng, sắc mặt xám nhợt, đại tiện lúc lỏng lúc táo, tiểu tiện nhiều, nước tiểu đục, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng khô, mạch trầm vi vô lực.
- Pháp chữa: Bổ thận dương.
- Bài thuốc: Thận khí hoàn gia giảm.
Sinh địa Hoài sơn Sơn thù Đan bì Phục linh Trạch tả | Quế chi Phụ tử Kim anh tử Khiếm thực Hoàng kỳ Thiên hoa phấn | Ích trí nhân Đẳng sâm Bạch truật Sài hồ Đương quy Kỷ tử |
- Sắc uống ngày 01 thang, chia 03 lần.
- Điều trị không dùng thuốc:
- Châm bổ các huyệt: Thận du, thái khê, túc tam lý, tam âm giao.
⇒ Để được thăm khám và tư vấn điều trị an toàn hiệu quả, quý các bạn có thể liên hệ đến.
Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Đại Đường
Hotline: 084.22.11.348 - 084.23.11.348
Địa chỉ: 148, ngõ 91, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội